Lời khuyên dạy con lạ đời của anh “Chánh Văn” Hoàng Anh Tú: Muốn trẻ thích học, phụ huynh hãy trở thành những bố mẹ nhàn rỗi!

“Nhưng phải có cách nào cho trẻ thích học? Chả có nhẽ mặc kệ nó học dốt? Làm sao mà bố mẹ có thể bỏ mặc con cái được kia chứ? Chỉ câu hỏi đó cũng đủ thành đề tài hot có thể đi diễn thuyết 63 tỉnh thành và làm đủ 500 cái talkshow cũng không hết”.

Chuyện học hành của con cái là mối bận tâm hàng đầu của bố mẹ. Trong xã hội còn coi nặng chuyện bằng cấp, đi đâu xin việc cũng chào hỏi nhau bằng cái bằng thì lo cho con học giỏi, lo cho con đỗ đại học hàng top là chuyện phụ huynh nào cũng trăn trở. Nhưng đâu phải ai cũng sinh ra được người con có trí tuệ vượt bậc, con học dốt, lười biếng, chán học thì cha mẹ nào cũng đau đáu, xấu hổ, vật vã. Học giỏi chưa chắc đã thích học đã vậy học kém thì con trẻ phải chán chường việc học như thế nào. Nhưng làm sao để trẻ thích học?

Mới đây, trên trang cá nhân của mình, anh “Chánh Văn” Hoàng Anh Tú đã có những lời khuyên chân thành về chủ đề này. Anh chia sẻ khi gặp trường hợp trẻ ghét học, bố mẹ nên áp dụng 3 nguyên tắc vàng sau: Hãy coi việc học là trách nhiệm của con; không tạo áp lực, không ngừng tạo động lực và cuối cùng cho con thấy mục đích việc học là điều cần thiết.

Nguyên văn bài đăng của anh Hoàng Anh Tú  như sau:

Lời khuyên dạy con lạ đời của anh “Chánh Văn” Hoàng Anh Tú: Muốn trẻ thích học, phụ huynh hãy trở thành những bố mẹ nhàn rỗi! - Ảnh 1.

HÃY TRỞ THÀNH NHỮNG BỐ MẸ NHÀN RỖI

Những ngày, chạy tour từ Hà Nội vào Hải Phòng tạt Đà Nẵng ghé Sài Gòn, gặp gỡ đến hơn 400 phụ huynh, nói chuyện đến khản cả cổ xoay quanh chuyện học hành của con cái – cuộc chiến của phụ huynh. Tôi mới thấy, nhiều cha mẹ coi chuyện học hành của con như một nhiệm vụ hàng đầu trong đời làm cha, làm mẹ của mình. Con học giỏi, tự giác học thì cha mẹ tự hào, hãnh diện. Con học dốt, lười biếng, chán học thì cha mẹ đau đáu, xấu hổ, khổ sở, vật vã. Chuyện học của con trở thành nỗi lo lắng của cha mẹ.

Làm sao cho trẻ thích học?“. Chỉ một câu hỏi đó thôi cũng đủ thành đề tài hot có thể đi diễn thuyết 63 tỉnh thành và làm đủ 500 cái talkshow cũng không hết. Và tôi, trong chuyến đi 4 thành phố lớn cũng đã không trả lời được việc làm sao để trẻ thích học. Có lẽ là bởi từ bé tôi cũng không phải là kẻ thích học. Trong số hơn 400 phụ huynh tôi gặp gỡ, tôi nghĩ cũng đến 90% số đó hồi bé cũng không thích học chút nào cả. Bởi thứ ở trường công đang dạy trẻ hiện nay thật sự khó tìm thấy hứng thú với trẻ. Chưa kể nhiều thứ, kể cả môn tiếng Anh, những công thức ngữ pháp, 12 thì hay 365 động từ bất quy tắc… muốn nhớ được nó thật khó khăn xiết bao. Trẻ đã không tìm thấy hứng thú học lại gặp sức ép từ tiếng quát của bố, cái lừ mắt của mẹ, luật lệ hà khắc của thầy cô…

Lời khuyên dạy con lạ đời của anh “Chánh Văn” Hoàng Anh Tú: Muốn trẻ thích học, phụ huynh hãy trở thành những bố mẹ nhàn rỗi! - Ảnh 2.

Nhưng. Nhưng phải có cách nào chứ, phải không? Chả có nhẽ mặc kệ nó học dốt? Làm sao mà bố mẹ có thể bỏ mặc con cái được kia chứ? Nên tôi bày cách thế này, bằng sự hiểu biết có hạn của mình, tuỳ cha mẹ lựa chọn mà áp dụng:

1. Việc học là của con – Trách nhiệm thuộc về con

Phải rất rõ ràng ngay từ đầu là như thế. Dạy con hiểu trách nhiệm và chịu trách nhiệm. Như cha mẹ đi làm vì trách nhiệm phải kiếm tiền nuôi sống bản thân và gia đình. Con đi học vì đó là trách nhiệm của con.

Con học dốt con phải tự chịu trách nhiệm. Bố mẹ không phạt con mà là con phải tự chịu trách nhiệm. Bình thường ở nhà con được xem tivi 2 tiếng chẳng hạn hay con sẽ được miễn giảm một số công việc để tập trung vào học. Thì nếu con điểm kém, học dốt, con phải lao động thay cũng như bị giảm trừ những quyền lợi con có. Ví dụ như tivi sẽ không được xem. Ví dụ như sẽ phải làm việc nhà nhiều hơn, vất vả hơn. Nó là công bằng. Lũ trẻ luôn cần sự công bằng như thế. Học giỏi thì được nhiều quyền lợi. Học dốt thì vừa mất quyền lợi vừa phải lao động vất vả hơn. Nó cũng là hợp lý mà, nếu kiến thức ít, mai này ra đời sẽ phải lao động cực nhọc hơn. Dạy một đứa trẻ trách nhiệm cũng là điều tốt mà, phải không?

2. Tạo động lực – Đừng gây áp lực

Tôi muốn cha mẹ đừng hà tiện lời khen, khích lệ với các con. Hãy biến chúng thành phần thưởng thay vì trả tiền. Nhiều bậc cha mẹ thưởng tiền cho con để con học thêm về quản lý chi tiêu. Tôi không nói nó sai. Nhưng tôi nghĩ thứ trẻ mong muốn là sự ghi nhận và khích lệ của cha mẹ hơn. Đặc biệt, một mẹo nhỏ, tặng con 1 cuốn sổ, mỗi thành tựu của con đều có những sticker phần thưởng kèm theo những quyền lợi con nhận được. Cuốn sổ đó sẽ vô cùng có giá trị khi con nhìn lại quá trình mình đã chiến thắng bản thân, đã làm được gì. Tạo động lực đôi khi chỉ là thể hiện sự tin tưởng vào con. “Hãy tin ở con” có thể thay đổi con bạn nhiều hơn mọi phần thưởng.

3. Mục tiêu – Lộ trình

Cho con bạn thấy mục đích của việc học là điều cần thiết. Nó không phải là học để sau này kiếm tiền nuôi bố mẹ. Nó cũng không phải là học để cha mẹ nở mày nở mặt. Nó là việc con sẽ trở thành ai mai này, con muốn trở thành ai mai này? Đặt mục tiêu và theo đuổi mục tiêu đó cần một lộ trình. Hãy cùng con tạo ra lộ trình đó. Nhớ là phải tạo ra những thành công nho nhỏ khích lệ trẻ mỗi đoạn đường ngắn một.

Tạo hứng thú học hành cho con không phải là việc ngày một ngày hai là có thể hoàn thành. Đôi khi nó là cả một quá trình dài, rất dài. Nên thứ bạn cần không chỉ là số tiền tích cóp để trở thành “chủ đầu tư” cho con học hành mà còn cần cả khoản ngân sách thời gian bạn dành cho con – thời gian chất lượng.

4 cuộc talkshow thực sự ý nghĩa với tôi trong hành trình chia sẻ hứng thú làm cha mẹ với mọi người. Làm một ông bố hạnh phúc – một bà mẹ hạnh phúc thực sự là thứ giúp con bạn hạnh phúc. Tin tôi đi!”

Lời khuyên dạy con lạ đời của anh “Chánh Văn” Hoàng Anh Tú: Muốn trẻ thích học, phụ huynh hãy trở thành những bố mẹ nhàn rỗi! - Ảnh 3.
Theo kênh 14 – Vân Trang theo helino

5 bài học vàng dạy con của Hoàng gia Anh mà bất cứ ông bố bà mẹ nào cũng có thể áp dụng.

Hoàng gia Anh từng có một số quy tắc nuôi dạy con cứng nhắc nhưng tất cả đã thay đổi kể từ khi cố Công nương Diana sinh con. Công nương Diana và Thái tử Charles đã phá vỡ không ít truyền thống và dành nhiều quyền ưu tiên cho việc nuôi dạy con cái nên người.

Sau này Hoàng tử William và Công nương Kate cũng đã tuân theo và đề ra một số nguyên tắc khác để nuôi dưỡng, dạy dỗ các hoàng tử, công chúa trở thành những cá nhân tốt đẹp.

Dưới đây là 5 bài học nuôi dạy con của hoàng gia Anh tuy đơn giản nhưng vô cùng ý nghĩa, bất kỳ ông bố bà mẹ nào trên thế giới cũng có thể học tập theo.

1. Dạy con ôm thường xuyên

Nhiều người trong chúng ta thích cảm giác được ôm ấp bởi gia đình, bạn bè và hoàng tử William cũng là một người như vậy. Hoàng tử biết rõ giới hạn giữa cá nhân nhưng không thể ngăn bản thân đưa ra những cái ôm ấm áp với mọi người xung quanh. Hoàng tử ôm bạn bè, anh em, các con, những người chưa quen lâu không gặp,… và thậm chí là một cái cây!

Công nương Diana quá cố cũng là một người rất thích ôm và chính công nương là người đã truyền bá điều này đến các con và những người xung quanh. Công nương thậm chí từng tặng gia đình và bạn bè quyển sách có tên “The Little Book of Hugs”, nói về những lợi ích của một cái ôm. “Những cái ôm có thể đem đến rất nhiều điều tốt đẹp, đặc biệt là cho trẻ nhỏ”, cố công nương từng nói.

Không phải ai cũng cảm thấy thoải mái nhưng khi nhắc đến những đứa trẻ hoàng gia, bài học quan trọng của họ là không cần vương miện, chỉ cần một cái ôm đầy ấm áp, yêu thương.

5 bài học vàng dạy con của Hoàng gia Anh mà bất cứ ông bố bà mẹ nào cũng có thể áp dụng - Ảnh 1.

Công nương Diana ôm một bé gái trong bữa tiệc ở Sydney năm 1996.

2. Tất cả chúng ta đều phạm phải sai lầm

Hoàng tử William từng chia sẻ: “Lần đầu làm bố mẹ, tôi và Kate đã muốn mọi thứ phải hoàn hảo nhất có thể nhưng sau đó chúng tôi nhận ra, chúng tôi là con người bình thường và không ai trong chúng tôi hoàn hảo cả, đặc biệt là khi chúng tôi lần đầu dạy dỗ con.”

Từ những trải nghiệm của bản thân, Hoàng tử William đã dạy cho các con 3 điều quan trọng:

– Phạm sai lầm là một phần của cuộc sống

– Chúng ta có thể sống sót sau những sai lầm bằng cách tự đứng dậy và thử làm lại thay vì bị đánh gục.

– Không ai trong chúng ta hoàn hảo cả.

Hoàng tử William dạy con việc học hỏi từ những sai lầm sẽ khiến chúng ta trở nên kiên cường hơn. Đây là một phẩm chất tuyệt vời của hoàng gia đối với cả bố mẹ và trẻ nhỏ.

5 bài học vàng dạy con của Hoàng gia Anh mà bất cứ ông bố bà mẹ nào cũng có thể áp dụng - Ảnh 2.

Hoàng tử William và công nương Kate ôm hoàng tử nhỏ Louis trên tay.

3. Tìm hiểu giá trị của tiền

Công nương Diana chắc chắn không phải lo lắng về tài chính khi kết hôn với Thái tử Charles nhưng dù vậy cô vẫn cảm thấy việc dạy cho các con giá trị của tiền bạc ngay từ khi còn nhỏ là rất quan trọng. Trong khi không có ai trong gia đình hoàng gia thường mang theo tiền mặt thì cố công nương lại cho các hoàng tử tiền tiêu vặt và từng nói với Hoàng tử William rằng cậu sẽ không thể mua được 2 viên kẹo tại cửa hàng nếu thiếu tiền.

Dù có cuộc sống giàu sang nhưng Hoàng gia Anh rất tôn trọng tiền bạc và luôn tìm cách quản lý, tiết kiệm hàng ngày. Nữ hoàng đề nghị tất cả mọi người đều phải tắt đèn khi rời khỏi một căn phòng trong cung điện. Họ ăn thức ăn thừa, sử dụng quần áo cũ, và thậm chí mua sắm đồ nội thất ở Ikea (một hệ thống bán lẻ đồ nội thất).

Dù sở hữu khối tài sản đồ sộ nhưng chúng ta có thể bắt gặp Nữ hoàng Anh mặc lại một bộ trang phục nhiều lần.

5 bài học vàng dạy con của Hoàng gia Anh mà bất cứ ông bố bà mẹ nào cũng có thể áp dụng - Ảnh 3.

Gia đình Hoàng gia Anh luôn coi trọng tiền bạc.

4. Việc cho đi rất quan trọng

Thế hệ trẻ em ngày nay đang lớn lên với ý thức mạnh mẽ về quyền lợi. Chỉ cần nhìn vào chiếc smartphone, những thiết bị điện tử, các đôi giày thể thao cao cấp mà chúng sử dụng là chúng ta có thể thấy được một con số giá trị đáng kinh ngạc.

Những thành viên Hoàng gia Anh có thể sống thoải mái trong sự hào nhoáng, thỏa thích sử dụng những chiếc đồng hồ đắt tiền nhưng họ luôn tin vào tầm quan trọng của việc nhận lại và cho đi. Hoàng gia Anh ủng hộ rất nhiều cho hội chữ thập đỏ, các quỹ ung thư, quỹ động đất. Nữ công tước xứ Cambridge thậm chí từng tặng mái tóc của mình để quyên góp.

Nữ hoàng Anh và gia đình luôn tìm cách dạy con tầm quan trọng của việc cho đi cũng như cống hiến tài năng, thời gian và của cải của mình cho những người kém may mắn hơn.

5 bài học vàng dạy con của Hoàng gia Anh mà bất cứ ông bố bà mẹ nào cũng có thể áp dụng - Ảnh 4.

Hoàng tử William tham gia tình nguyện cùng Hội chữ thập đỏ năm 2005.

5. Chia sẻ cảm xúc của bản thân

Hầu hết các bậc phụ huynh hiện tại đều khuyến khích con cái thảo luận, chia sẻ những cảm xúc về những sự việc xảy ra trong thế giới của chúng và những điều khiến chúng đau buồn. Giống như các gia đình bình dân, gia đình hoàng gia cũng vậy. Như chúng ta đã từng thấy, Thái tử Charles và cố Công nương Diana không hề che giấu nỗi buồn và khoảng thời gian khó khăn của mình khi hôn nhân tan vỡ.

Và ngày nay, Hoàng tử William và Công nương Kate cũng rất ủng hộ sức khỏe tinh thần. Vợ chồng Hoàng tử William và Hoàng tử Harry rất cởi mở trong việc bày tỏ suy nghĩ của họ về tầm quan trọng của việc chia sẻ cảm xúc khi thất vọng.

Hoàng tử William từng chia sẻ mong muốn các con của mình sẽ lớn lên và thoải mái khi nói về cảm xúc của bản thân. “Dù có là một vị quân vương thì bạn cũng có thể bị tổn thương và việc chia sẻ cảm xúc bản thân sẽ khiến bạn tìm được sự giúp đỡ”, hoàng tử cho biết.

Những chia sẻ của Hoàng tử William là một lời khuyên tuyệt vời vô cùng có lợi cho trẻ mà bất kỳ bậc cha mẹ nào cũng nên áp dụng theo.

Kênh 14 – Theo Businessinsider

Nhà trường đâu có mờ mắt mà không biết bữa ăn bị cắt xén, kém chất lượng

Vì tương lai giống nòi Việt Nam! Các trường hãy dành một chút lương tâm nghĩ cho sức khỏe học sinh. Đâu phải cái gì cũng có thể “ăn” (tiền) và “ăn bất chấp”.

Vì sao không thể kiểm soát nổi chất lượng bữa ăn trường học?

Nếu phụ huynh tin rằng việc mình đóng bao nhiêu tiền cho một suất ăn của con thì con sẽ được ăn suất ăn có giá trị tương đương số tiền đó tức là phụ huynh vẫn chưa hiểu về con đường thực phẩm đi từ chợ đến bàn ăn học sinh.

Tại sao, báo chí đã từng phản ánh rất nhiều về chất lượng bữa ăn học đường: kém dinh dưỡng, bị ăn bớt, ăn xén…thậm chí đã từng có cả một chiến dịch nói không, bài trừ thực phẩm bẩn? Nhưng tình trạng này vẫn không được cải thiện.


Liên minh ma quỷ trong bếp ăn các trường học (1)

Trong quá trình xâm nhập vào một công ty cung cấp thực phẩm cho các trường học chúng tôi nhận thấy rằng:

Có cả một đường dây cung cấp thực phẩm trường học  với nhiều cầu trung gian.

Qua mỗi cầu, công ty thực phẩm lại phải chiết khấu một ít. Do vậy thực phẩm đến bàn ăn của trẻ đôi khi chỉ bằng một nửa giá trị so với số tiền phụ huynh đóng góp.

Thị trường cung cấp thực phẩm, sữa, hoa quả, đồ dùng học tập….vào trong các trường học là một thị trường vô cùng màu mỡ.

Lý do bởi các trường học luôn có một lượng khách hàng ổn định (học sinh) còn phụ huynh thì không tiếc tiền cho con ăn uống tại trường.

Do vậy các thương lái, công ty thực phẩm bằng mọi cách có thể chen chân vào thị trường này. Theo tiết lộ của một thương lái tại chợ Long Biên: Chỉ cần cái gật đầu của hiệu trưởng là ngay lập tức có lãi.

Thực phẩm muốn đưa vào trường học có 2 con đường:

Một là, các thương lái, công ty mua giấy phép sau đó trực tiếp lấy thực phẩm cung cấp thẳng cho các trường.

Hai là, các thương lái mua giấy phép của các công ty được quyền cung cấp thực phẩm sau đó làm việc với trường để đưa rau củ, thịt cá vào trong các trường. Như vậy các công ty chỉ là đơn vị trung gian bán giấy phép.

Chỉ cần bỏ ra khoảng 50 triệu đồng là có thể mua hồ sơ năng lực rất dễ dàng (Ảnh:V.N)

Muốn được cái gật đầu của hiệu trưởng, sự đồng ý của nhà trường cũng có 2 con đường:

Một là, Phòng Giáo dục chỉ đạo cho các trường phải lấy thực phẩm của công ty thực phẩm đã được chỉ định.

Hai là, Các công ty mang hồ sơ năng lực mời chào các trường. Sau khi nhận được sự đồng ý của các hiệu trưởng sẽ cung cấp thực phẩm cho trường học.

Như vậy, bằng cách này hay cách khác, để có thể đưa thực phẩm vào trường học, các công ty phải bỏ thầu với mức giá thấp và “đi đêm” với phòng Giáo dục hoặc Hiệu trưởng.

Lấy ví dụ tại công ty thực phẩm A.V mà phóng viên xâm nhập. Theo người chủ công ty: Để có thể đưa thực phẩm vào trong các trường tại một Quận (Hà Nội), công ty phải bỏ ra số tiến 1.1 tỷ đồng lo lót cho Phòng Giáo dục và bồi dưỡng mỗi hiệu trưởng từ 8-10% giá trị của đơn hàng.

Sau khi các công ty thực phẩm đã đặt được một chân vào trong các trường. Những công ty này còn phải chiết khấu thêm cho bộ phận kế toán, giáo viên, nhà bếp.

Chỉ tính riêng 3 cầu này (Phòng giáo dục, hiệu trưởng, nhà bếp) các công ty đã mất khoảng 30-40%. Thêm vào đó là chi phí vận chuyển, thuê nhân công, tiền xe cộ, bến bãi, tiền lãi khoảng 10-30%.

Khi cộng tất cả chi phí này lại phụ huynh có thể thấy khấu hao đi 50% chi phí cho một bữa ăn.

Như vậy thực chất giá trị thực của mỗi bữa ăn chỉ bằng một nửa so với số tiền đáng lẽ ra các con được hưởng.

Điều này rất hợp lý nếu phụ huynh căn cứ thực tế giá trị bữa ăn các con đang thụ hưởng.

Chẳng hạn một suất ăn có giá trị 25.000 đồng nhưng thực tế nếu nhìn vào thực đơn và các món ăn thì chỉ tính khoảng 12.000 đồng – 20.000 đồng. Số tiền 5000 – 13.000 đồng trên được tính vào chi phí lo lót mà chúng tôi đã phân tích ở trên.

Các loại giấy chứng nhận cũng có thể mua được cho nên thực phẩm sạch, bẩn lẫn lộn (Ảnh:V.N)

Do vậy mỗi khi phát hiện các trường hợp ăn bớt, ăn xén  hoặc thực phẩm trường học mất an toàn vệ sinh, dư luận xã hội thường có xu hướng đổ lỗi cho nhà bếp và các công ty thực phẩm.

Điều này đúng như chưa đủ. Bởi nhà trường có điên đâu mà không biết suất ăn các con bị cắt xén?

Chính các trường là những người đồng ý cho các công ty thực phẩm và nhà bếp tổ chức nấu ăn. Và cũng chính hiệu trưởng là người ngửa tay cầm những đồng hoa hồng?

Cho nên để nói: Ngăn chặn tình trạng ăn bớt xén, thực phẩm kém chất lượng vào trong trường học vô cùng khó. Bởi, nó có sự tiếp tay, thông đồng từ trên xuống dưới: Từ cơ quan quản lý, trường học, công ty thực phẩm, nhà bếp, hiệu trưởng, kế toán.

Đây là một dây chuyền, một liên minh ma quỷ chui rúc trong bếp ăn các trường học, làm giàu trên sức khỏe, tương lai của con trẻ.

Xử lý hiệu quả là phải xử lý cả một liên minh ma quỷ từ người cho phép các công ty thực phẩm vào trường học; thương lái, công ty cung cấp thực phẩm, hiệu trưởng, bếp trưởng.

Nhưng xử lý thế nào khi cấp trên bao che cấp dưới, cấp dưới móc ngoặc với các công ty bên ngoài.

Vì thế chỉ sau một thời gian là các vụ việc đi vào ngõ cụt, cuối cùng hòa cả làng, ai về nhà đấy. Thiệt thòi chỉ có phụ huynh và con em chúng ta.

Xã hội cần phải lên án, phụ huynh cần phải lên tiếng

Những người trong cuộc hiểu được bản chất câu chuyện này thường chủ động không cho con cái ăn cơm bán trú tại trường học. Tất nhiên tùy từng trường, tùy cách nghĩ và lương tâm của hiệu trưởng các con sẽ được ăn ngon hay kham khổ.

Chuyện hoa hồng đương nhiên có chỉ là có ít hay có nhiều. Mới đây, phụ huynh phản ánh: Phải đóng 160.000 đồng cho một suất ăn tại một trường quốc tế.


Tiết lộ choáng váng của một đầu mối cung cấp thực phẩm trong trường học

Nhưng nhìn hình ảnh phụ huynh chụp lại thì suất ăn này chỉ đáng giá từ 10.000 đồng -20.000 đồng.

Số tiền chênh lệch còn lại không vào túi liên minh ma quỷ kia thì vào túi ai?

Điểm lại những vụ bê bối thực phẩm trường học hầu hết đều do phụ huynh phản ánh.

Nếu như không có phụ huynh phản ánh thì con cái chúng ta sẽ phải ăn những bữa ăn bị bớt xén kèm theo nỗi lo thực phẩm bẩn.

Trong khi đó việc đợi chờ các trường kiểm soát chặt chẽ vấn đề bữa ăn còn rất nhiêu khê vì vấn đề lợi ích chằng chịt.

Phụ huynh hơn ai hết là người cần sát sao, bảo vệ sức khỏe của con mình. Cần phải thay đổi tư duy ban phát thành tư duy dịch vụ.

Rõ ràng phụ huynh cơm đóng gạo góp để con cái được ăn uống tại trường chứ đâu có đi xin nhà bếp, đâu có xin các trường mà để họ thích cho con ăn gì thì cho.

Bữa ăn này được các trường thu 25.000 đồng (Ảnh:V.N)

Xin kết lại bài viết bằng lời “thú nhận” của một thương lái để quý phụ huynh hiểu rõ hơn về thị phần bữa ăn học đường bán trú hiện nay:

“Các trường họ chẳng quan tâm mình đưa gì vào trường đâu họ chỉ cần có phần trăm chiết khấu và quà cáp các dịp. Tôi bỏ nghề này vì thấy nó thất đức quá.

Làm cái này giàu thì có giàu nhưng ăn trên mồ hôi công sức phụ huynh, ăn trên sức khỏe của học sinh.

Có thời điểm trường nhập về cả tấn mực thối cho các cháu ăn. Bảo sao quả trứng ngoài chợ 2000 đồng, vào trường 4000 đồng”.

Không thể phủ nhận, những hành vi như thế này chẳng khác nào đầu độc thế hệ tương lai của đất nước. Phải xử lý nghiêm minh cả một đường dây như thế để làm gương, để răn đe các trường.

Việc kêu gọi lương tâm của nhà trường, của hiệu trưởng có khó hay không?

Theo GDVN – Vũ Ninh

Đồ nhựa dùng một lần: Bị ‘cấm cửa’ tại nhiều nước, Việt Nam vẫn bày bán tràn lan

Nhiều quốc gia trên thế giới đã bắt đầu làn sóng “tẩy chay” đồ nhựa dùng một lần. Tuy nhiên, tại Việt Nam đồ nhựa dùng một lần vẫn còn khá phổ biến.

Nhiều nước “tẩy chay” đồ nhựa dùng một lần

Gây hại cho sức khỏe và ảnh hưởng tới môi trường, trên thế giới, nhiều quốc gia bắt đầu làn sóng tẩy chay đồ nhựa dùng một lần, điển hình như nước Pháp, Mỹ và Canada. Pháp là quốc gia đầu tiên thông qua luật cấm tất cả cốc, chén, dao, muỗng… sử dụng một lần làm bằng nhựa. Luật này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ năm 2020.

Bắt đầu từ năm 2020, Pháp sẽ chấm dứt sự phụ thuộc đối với các loại đồ nhựa chỉ dùng một lần là vứt vào thùng rác.

Mỗi năm, chỉ riêng nước Pháp đã thải ra 4,73 tỷ cốc nhựa và khoảng 17 tỷ túi nhựa từ những siêu thị và quán cà phê trên khắp đất nước.

Trước đó, nhiều nước trên thế giới bao gồm Mỹ và Canada cũng đã thông qua lệnh cấm sản xuất và sử dụng những chiếc cốc nhựa dùng một lần.

Đồ nhựa dùng một lần: Bị 'cấm cửa' tại nhiều nước, Việt Nam vẫn bày bán tràn lan
Gây hại cho sức khỏe và ảnh hưởng tới môi trường, trên thế giới, nhiều quốc gia bắt đầu làn sóng tẩy chay đồ nhựa dùng một lần 

Tuy không quyết liệt như Pháp, nhưng cách đây 13 năm, Đài Loan (Trung Quốc) đã tiên phong mạnh tay thực hiện những biện pháp nhằm giảm thiểu số lượng sử dụng đồ nhựa dùng một lần cũng như chiến dịch làm sạch đường phố.

Theo đó, những sản phẩm như bát, túi, hộp, cốc… làm bằng nhựa dùng một lần không được phép mua bán, sử dụng tại các siêu thị, cửa hàng ăn uống. Bên cạnh đó, lãnh thổ này cũng ban hành luật cấm vứt đồ nhựa dùng một lần ra môi trường. Khi đó, mức phạt tối đa với người vi phạm là 4.310 USD. Chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) còn khuyến khích người dân nên mang túi mua hàng hay bát đĩa của mình mỗi khi đi ăn ở nhà hàng.

Hay tại Scotland, để giải quyết tình trạng ô nhiễm rác nhựa, chính phủ Scotland đã ra lệnh cấm dùng các loại cốc uống cà phê một lần tại các tòa nhà làm việc của chính phủ nước này. Kể từ 4/6/2018, mọi đồ uống nóng tại các tòa nhà chính phủ Scotland sẽ phải được phục vụ trong các cốc tách có thể tái sử dụng.

Hay vào cuối tháng 3 vừa qua, Nghị viện châu Âu cũng đã bỏ phiếu ủng hộ kế hoạch loại bỏ hầu hết các vật dụng bằng nhựa dùng một lần, từ dao kéo, ống hút tới thìa khuấy cà phê và đĩa nhựa… Với 560 phiếu thuận, 35 phiếu chống, các nhà lập pháp châu Âu đã bỏ phiếu thông qua lệnh cấm sẽ có hiệu lực từ năm 2021 trên quy mô toàn Liên minh châu Âu (EU) đối với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần.

Đồ nhựa dùng một lần được bày bán tràn lan tại Việt Nam

Tưởng chừng hữu ích và vô hại song đồ nhựa dùng một lần lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Các loại cốc nhựa dùng một lần trên toàn thế giới đều được sản xuất từ loại nhựa gọi là Polystyrene hay chính là nhựa mang nhãn số 6. Polystyrene (viết tắt và thường gọi là PS) là một loại nhựa khá rẻ tiền, có màu trắng, trọng lượng nhẹ, tính dẻo nên thường được sử dụng trong khâu đóng gói bao bì.

Báo cáo nghiên cứu của Chương trình độc chất học quốc gia của Mỹ cho biết, chất Polystyrene khi gặp nhiệt độ thấp hoặc nhiệt độ cao có thể giải phóng ra chất Styrene vô cùng độc hại.

Styrene là một chất gây ung thư, có thể phá hủy DNA trong cơ thể người, gây dị tật thai nhi, rối loạn hệ thần kinh (mệt mỏi, căng thẳng, mất ngủ), ảnh hưởng đến nồng độ máu (lượng tiểu cầu thấp, gây độ quỵ). Đặc biệt, chất Styrene rất dễ xâm nhập vào cơ thể. Và dù nhiễm độc với nồng độ nhỏ cũng có thể để lại hậu quả xấu đối với sức khỏe.

Đồ nhựa dùng một lần: Bị 'cấm cửa' tại nhiều nước, Việt Nam vẫn bày bán tràn lan
Dù bị cấm tại nhiều nước, song tại Việt Nam mặt hàng này vẫn còn khá phổ biến

Ngoài ra, các sản phẩm nhựa thường chứa một chất BPA được chứng minh có khả năng gây ung thư, tác động đến não làm chậm phát triển, gây viêm gan, rối loạn nội tiết và vô sinh.

Dù bị cấm tại nhiều nước, song tại Việt Nam mặt hàng này vẫn còn khá phổ biến. Theo khảo sát của PV tại chợ Hôm, chợ Đồng Xuân và một số chợ khác trên địa bàn Hà Nội, đồ nhựa dùng một lần được bày bán tràn lan với nhiều mẫu mã khác nhau. Những sản phẩm này có giá khá rẻ: hộp đựng cơm, đồ ăn có giá 25.000-30.000 đồng/100 chiếc; thìa, chén, đĩa có giá từ 200 – 300 đồng/chiếc, ống hút nhựa giá 2.000-3.000 đồng/túi 50 chiếc.

Tại các cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện ích tuy không đa dạng mẫu mã và chủng loại như các chợ lớn nhưng cũng đủ các sản phẩm cần thiết như hộp, thìa, ống hút. Với giá bán cao hơn chợ từ 2.000-10.000 đồng/sản phẩm.

Tại các siêu thị đồ nhựa dùng một lần cũng được bày bán tại các gian hàng gia dụng với giá bán khá rẻ. Chỉ từ 100-500 đồng/chiếc thìa, chén, đĩa nhựa; từ 5.000-20.000 đồng/túi ống hút nhựa gồm 50 chiếc.

Không chỉ được bán tràn lan tại các chợ, cửa hàng tạp hóa hay siêu thị các sản phẩm đồ nhựa dùng một lần còn được rao bán tràn lan trên các trang mạng, website với giá chỉ ngang ngoài chợ.

Đặc điểm chung của các sản phẩm đồ nhựa dùng một lần đó là ngoài lời giới thiệu từ người bán, đa số đều không có thông tin về địa chỉ cơ sở sản xuất, chất lượng sản phẩm, hạn sử dụng, hướng dẫn cách sử dụng an toàn…

Theo khảo sát của PV, trung bình mỗi ngày, một hàng ăn bình dân có thể tiêu thụ đến hàng trăm hộp nhựa đựng cơm kèm theo thìa, ống hút.

Hầu hết người tiêu dùng chưa thực sự quan tâm đến tác hại của loại sản phẩm này, thậm chí nhiều người còn thản nhiên tái sử dụng chúng.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội), vấn đề nên tiếp tục hay ngừng hẳn việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần hiện nay vẫn là một cuộc tranh luận chưa đến hồi kết.

Theo ông Thịnh, nguy cơ sử dụng đồ nhựa dùng một lần với thực phẩm đặt trực tiếp vào đó thực sự không thể lý giải hết được. Nhưng cách tốt nhất là càng giảm được việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần thì càng tốt.

Và đã là đồ nhựa dùng một lần thì chỉ dùng một lần rồi vứt bỏ để được thu lại và tái chế. Nếu cứ tiến hành đựng thực phẩm trong đồ nhựa tái chế thì nguy cơ bị bệnh từ đồ nhựa là cực lớn. Vấn đề này phải được nhà nước phối hợp cục vệ sinh an toàn thực phẩm kiểm soát gắt gao mới tránh được bệnh tật sinh ra từ mối nguy này.

Theo Vietnamnet – Viet Q

Dinh dưỡng hợp lý cho lứa tuổi học đường

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng, quyết định đến sự phát triển thể lực, trí tuệ, tầm vóc và khả năng học tập của trẻ.

Dinh dưỡng hợp lý, đáp ứng đủ nhu cầu giúp trẻ phát triển tốt về sức khỏe, phòng thừa cân/béo phì. Nhu cầu về năng lượng, các chất dinh dưỡng và vi chất dinh dưỡng tùy theo tuổi, giới tính và hoạt động thể lực của học sinh.

Trẻ cần ăn những gì?

Theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam đã được Bộ Y tế phê duyệt, với trẻ em tiểu học từ 6 – 11 tuổi năng lượng khuyến nghị như sau: Trẻ nam 6-7 tuổi cần 1.570 Kcal/trẻ/ngày, ở độ tuổi 8-9 là 1.820 và 2.150 với trẻ 9-11 tuổi. Tương tự, nhu cầu dinh dưỡng với trẻ nữ ở 3 nhóm tuổi trên là 1.460, 1.730 và 1.980 (Kcal/trẻ/ngày).

Trong cơ cấu của bữa ăn gồm 4 nhóm thực phẩm là chất đạm, chất béo, đường bột, vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên mỗi lứa tuổi, giới tính và hoạt động thể lực lại cần sự điều chỉnh nhu cầu cho phù hợp với học sinh tiểu học.

Chất đạm (protein) đóng vai trò quan trọng tham gia vào thành phần cấu tạo nên tế bào, là thành phần quan trọng của các hormone, các enzyme, tham gia vào sản xuất kháng thể…  Protein có nhiều trong thịt, cá, sữa, trứng, đậu đỗ, lạc… Năng lượng do protein cung cấp từ 13-20% nhu cầu năng lượng của cơ thể. Trong đó, tỷ lệ giữa protein động vật/protein tổng số nên đạt ≥ 50% (với trẻ từ 6 – 9 tuổi) và tỷ lệ này nên đạt ≥ 35% (với trẻ từ 10 –  11 tuổi).

dinh-duong-hop-ly-cho-lua-tuoi-hoc-duong-1

Bữa ăn cần đa dạng, phong phú.

Chất béo hay còn gọi là lipid trong cơ thể đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc màng tế bào và dự trữ trong các mô như nguồn dự trữ năng lượng của cơ thể. Lipid là dung môi để hòa tan các vitamin tan trong chất béo, mặt khác lipid cũng là thành phần cung cấp năng lượng quan trọng trong khẩu phần. Nguồn cung cấp lipid là mỡ, dầu và các loại hạt như lạc, vừng, hạt điều… Theo nhu cầu khuyến nghị cho người Việt Nam, đối với trẻ em tiểu học, năng lượng do lipid cung cấp cần đạt 20 – 30% nhu cầu năng lượng của cơ thể, trong đó lipid nguồn động vật/lipid tổng số chiếm khoảng 30-50%, acid béo no không vượt quá 11% năng lượng khẩu phần.

Glucid (chất đường bột) cung cấp năng lượng cho cơ thể. Ngoài vai trò sinh năng lượng, glucid có vai trò tạo hình, nguồn cung cấp glucid chủ yếu cho khẩu phần là từ gạo, bún, miến, khoai, củ… Với học sinh tiểu học, năng lượng do glucid cung cấp cần đạt 50-60% nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Vitamin và chất khoáng tuy chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ thể những không thể thiếu. Canxi giúp cơ thể hình thành hệ xương và răng vững chắc. Tất cả các quá trình chuyển hóa trong cơ thể đều cần canxi. Với lứa tuổi tiểu học từ 6-7 tuổi nhu cầu canxi là 650mg/ngày, 8-9 tuổi là 700mg/ngày, 10-11 tuổi là 1000mg/ngày, tỷ lệ canxi/phospho đạt mức tốt nhất là 1-1,5. Bên cạnh đó, sắt, kẽm góp phần thúc đẩy tạo máu, tăng trưởng cũng như tăng sức đề kháng của trẻ. Vitamin A, C và nhóm B ví như người gác cổng bảo vệ sức khỏe cho trẻ. Thiếu các vi chất trên khiến da, niêm mạc khô dẫn đến dễ nhiễm khuẩn, mắc bệnh khô mắt…Những vitamin này có nhiều trong hoa quả tươi, rau xanh, củ quả hay phủ tạng động vật, sữa, phô mai và trứng.

Xây dựng thực đơn và tổ chức bữa ăn hợp lý

Hiểu về nhu cầu dinh dưỡng của học sinh sẽ giúp cha mẹ, nhà trường xây dựng bữa ăn học đường hợp lý cho học sinh trong thời gian ở nhà cũng như tại các trường bán trú. Trong quá trình xây dựng thực đơn, cần thực hiện các nguyên tắc được ngành dinh dưỡng khuyến cáo.

Đa dạng nguồn thực phẩm

Mỗi loại thực phẩm có chứa một số loại chất dinh dưỡng ở tỷ lệ khác nhau vì vậy bữa ăn hàng ngày cần đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm (10-15 loại thực phẩm) từ 4 nhóm chính: Glucid, protein, lipid, vitamin và khoáng chất.

Năng lượng từ ngũ cốc chỉ nên chiếm 50-55% tổng năng lượng khẩu phần, phần còn lại do các chất béo cung cấp chiếm 20-25% và chất đạm cung cấp là 13-20%.

Nhóm thực phẩm giàu đạm cần ăn phối hợp đạm động vật từ các loài gia súc, gia cầm, hải sản với đạm thực vật từ các loại đậu, đỗ… và ăn ít nhất 3 bữa cá mỗi tuần. Các loại cá, tôm, tép và cua là nguồn cung cấp canxi tốt cho cơ thể. Các loại hạt đậu, đỗ cũng là nguồn đạm thực vật tốt, cung cấp một số acid amin thiết yếu mà đạm động vật thường có ít. Đồng thời nên ăn đa dạng các loại rau xanh và hoa quả.

dinh-duong-hop-ly-cho-lua-tuoi-hoc-duong-2

Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong khi chế biến tại bếp ăn ở nhà trường.

Chú ý năng lượng cho từng bữa ăn

Với trẻ tiểu học ở trường không ăn bán trú hoặc ăn bán trú không có bữa phụ cần đảm bảo cung cấp cho trẻ 3 bữa chính, không để trẻ nhịn ăn sáng đi học. Bữa sáng, bữa trưa cung cấp khoảng 35% tổng nhu cầu năng lượng của một ngày, bữa tối cung cấp 30%. Với trường tiểu học ăn bán trú có bữa phụ thì phân chia thành 4 bữa: năng lượng của bữa sáng từ 25-30%, năng lượng bữa trưa 35%, năng lượng bữa phụ 10%, năng lượng bữa tối 25-30% tổng nhu cầu năng lượng.

Với trẻ tiểu học ở trường không ăn bán trú hoặc ăn bán trú không có bữa phụ cần đảm bảo cung cấp cho trẻ 3 bữa chính, không để trẻ nhịn ăn sáng đi học.

Một lưu ý với phụ huynh và nhà trường là không cho trẻ ăn mặn, sử dụng muối i-ốt trong chế biến thức ăn. Trẻ từ 6-11 tuổi nên sử dụng dưới 4 gam muối/ngày. Mặt khác, để trẻ có cơ thể khỏe mạnh và chuyển hóa tốt cần uống đủ nước. Nhu cầu nước của trẻ hàng ngày là 2500ml nước, trong đó lượng nước được cung cấp trong quá trình chuyển hóa của cơ thể 350-400ml, cung cấp từ thức ăn chiếm khoảng 30%, phần còn lại là lượng nước uống khoảng 1300-1500ml (khoảng 6-8 ly nước). Không nên uống nước ngọt đóng chai, nước có ga vì không có lợi cho sức khỏe. Trường học hoặc xung quanh cạnh trường học cấm bán các loại nước này, cấm bán các đồ ăn vặt không đảm bảo an toàn sức khỏe của trẻ.

Đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm trong khi chế biến tại bếp ăn ở nhà trường.

Xây dựng thực đơn bữa ăn bán trú

Bữa ăn đa dạng về nguồn gốc thực phẩm cung cấp chất đạm động vật (thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa) và nguồn gốc thực vật (đậu đỗ, vừng, lạc). Bữa trưa có 2-3 loại thực phẩm cung cấp chất đạm, trong đó nên có 1 loại thực phẩm nguồn hải sản. Bữa ăn đa dạng về các loại rau xanh, hoa quả chín từ 3-5 loại. Hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn: xúc xích, lạp sườn, giò chả. Hạn chế sử dụng muối và đường.

Bữa trưa gồm món mặn, món xào, món canh, món cơm và hoa quả chín tráng miệng.

Bữa phụ dùng sữa và chế phẩm của sữa, nên sử dụng sữa không đường hoặc sữa ít đường.

Theo Suckhoedoisong.vn – ThS. BS. Nguyễn Văn Tiến

Bệnh học đường…

Sức khỏe học đường đang là một trong những vấn đề nóng hổi được xã hội quan tâm nhất hiện nay.

Ngoài những vấn đề về sức khỏe thể chất (bệnh tật), các em còn phải gánh trên vai sức khỏe tinh thần như áp lực tâm lý, cám dỗ, bạo lực… thậm chí, vấn nạn ma túy đang len lỏi vào trường học gây những hệ lụy khôn lường…

Sức khỏe học đường là sức khỏe về thể chất và tinh thần đối với lứa tuổi học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường từ mầm non, mẫu giáo đến học sinh trung học phổ thông (cấp ba) là chủ yếu, ngoài ra sinh viên cao đẳng, đại học cũng cần được quan tâm đúng mức.

Một số bệnh học đường thường gặp

Đó là các bệnh mà học sinh mắc phải trong quãng thời gian đi học, có liên quan đến điều kiện vệ sinh (nhà vệ sinh, lớp học, nhà ăn…), bệnh nhiễm trùng gây dịch (bệnh thủy đậu, bệnh tay chân miệng…), ánh sáng, độ chuẩn mực của phòng học, bàn ghế nơi các em học tập như tật khúc xạ (chủ yếu là cận thị), cong vẹo cột sống, rối loạn tâm lý…

benh-hoc-duong-1

Cận thị xuất hiện ngày càng nhiều ở tuổi học đường.

Tật khúc xạ chưa được chỉnh kính là một trong 5 nguyên nhân chủ yếu gây mù lòa và giảm thị lực. Tại Việt Nam, trẻ em trong độ tuổi từ 6-15 tuổi có tỷ lệ mắc tật khúc xạ từ 20-40% ở khu vực thành thị, từ 10-15% tại khu vực nông thôn. Điều này có nghĩa có khoảng 3 triệu trẻ em đang có tật khúc xạ cần được chỉnh kính.

Bệnh cong vẹo cột sống hiện nay ở học sinh đang là vấn đề đáng lo ngại. Theo Bộ Y tế, ở Việt Nam, tỷ lệ cong vẹo cột sống ở học sinh chiếm tỷ lệ khoảng từ 15-30%. Ở trẻ lứa tuổi học sinh, cột sống còn mềm mại, nếu ngồi sai tư thế lâu như cúi gập, ưỡn, vẹo sang phải hoặc trái sẽ dẫn đến cong lưng; vẹo lưng (ở đoạn cột sống ngực); ưỡn lưng do đoạn cột sống thắt lưng ưỡn ra trước. Nguyên nhân cong vẹo cột sống là do học sinh ngồi học không đúng tư thế, kích thước bàn ghế không phù hợp với từng lứa tuổi (quá cao hoặc quá thấp), hoặc ngồi quá lâu để học bài, xem ti vi, máy tính…

Bệnh thừa cân, béo phì ở trẻ tuổi học đường do kinh tế phát triển, đặc biệt ăn uống không hợp lý, không hợp vệ sinh (ăn nhiều chất béo, nhiều đường, ăn nhiều thức ăn nhanh…trong khi ăn ít rau, ít chất xơ, ít trái cây, uống ít nước…). Ở Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh này trong học sinh chiếm khoảng từ 15-40%.

Hoạt động y tế trường học tập trung công tác chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh học đường cho học sinh, phòng chống dịch bệnh có nguy cơ lây truyền trong trường học…

Một vấn đề khá phức tạp là rối loạn tâm thần ở tuổi học đường. Theo điều tra quốc gia do Bộ Y tế, Tổng cục Thống kê, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) thực hiện mới đây trên 3.000 học sinh tại Hà Nội và Hải Dương, khoảng 9% em nói từng có ý định tự tử, 6% đã có kế hoạch quyên sinh vì gặp nhiều vấn đề trong học tập, cuộc sống; gần 19,5% học sinh trong độ tuổi 10-16 có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Tỷ lệ chung rối loạn tâm thần học đường khá cao (7-25%); số học sinh có ý định tự tử tăng cao (16,9%), trong đó 21,8% phải đến bác sĩ chuyên khoa để được điều trị. Nguyên nhân của hiện tượng này có lẽ do khối lượng học tập quá tải, học thêm, bồi dưỡng ngoài giờ liên miên. Mặt khác một số phụ huynh kỳ vọng ở con em quá nhiều gây áp lực không nhỏ cho con em mình, tạo nên một tâm lý nặng nề cho trẻ. Thêm vào đó điều kiện vệ sinh, chăm sóc sức khỏe trong học tập nhiều nơi chưa đảm bảo, thời gian học chiếm hết thời gian vui chơi giải trí… khiến cho các em luôn trong tình trạng làm việc liên tục, đầu óc căng thẳng (stress) và cơ thể không có thời gian nghỉ ngơi, ăn uống không điều độ (lúc no, lúc đói, không đúng giờ…), không đúng theo sinh lý của con người. Biểu hiện của rối loạn tâm thần ở lứa tuổi học đường với nhiều mức độ như mất tập trung, căng thẳng, rối loạn giấc ngủ, đau đầu, chóng mặt, khó kiểm soát hành vi, nặng hơn nữa là biểu hiện trầm cảm, thậm chí hoang tưởng tự sát.

Tỷ lệ mắc các bệnh về răng miệng ở học sinh ngày càng có xu hướng gia tăng và chiếm một tỷ lệ rất cao khoảng từ  60-95%.

Ngoài các bệnh học đường, thời gian gần đây người ta thấy tỷ lệ học sinh  hút thuốc lá (4,7%), uống rượu, bia có xu hướng gia tăng (22,5%). Đặc biệt, nổi lên vấn nạn bạo lực học đường ở nhiều nơi. Bạo lực học đường bao gồm học sinh với học sinh, thầy cô giáo với học sinh gây bất bình trong quần chúng nhân dân, nhất là các bậc phụ huynh đang có con em theo học ở các trường để xảy ra bạo lực học đường. Nguy hiểm hơn vấn nạn ma túy có nguy cơ thâm nhập học đường.

Nên làm gì để phòng chống bệnh học đường?

Để phòng tránh bệnh cận thị học đường hiệu quả cần đảm bảo nguồn sáng cho lớp học và chỗ ngồi học của các em. Không nên để trẻ em xem ti vi quá nhiều và ngồi gần. Chú ý bổ sung thêm vitamin A cho con trẻ bằng nguồn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng vào bữa ăn như cà rốt, cá… hoặc uống thuốc hỗ trợ bổ sung vitamin A trong các Chương trình của Bộ Y tế.

Để phòng tránh cong vẹo cột sống cho các em, cần uốn nắn tư thế ngồi cho con trẻ hàng ngày để tạo cho các em thói quen ngồi học đúng tư thế.

Nên chăng ngành giáo dục cần xem xét lại chương trình học làm sao cho hài hòa với độ tuổi, các em phải có thời gian chơi để thoái mái tinh thần. Với các bậc phụ huynh không nên gây áp lực cho con em mình trong học tập, đừng kỳ vọng một cách vô lý là bắt con phải học thật giỏi để “đẹp mặt cha mẹ” trong khi năng lực của con mình có giới hạn, thay vào đó cần quan tâm về dinh dưỡng, tạo mọi điều kiện để trẻ được vui chơi thoải mái ngoài giờ học, ngủ đủ thời gian cần thiết.

benh-hoc-duong-2

Cần định kỳ kiểm tra sức khỏe cho các em học sinh.

Vai trò của công tác y tế trong trường học

Trẻ em và học sinh chiếm 1/3 dân số, nếu được chăm sóc, giáo dục tốt sẽ quyết định đến chất lượng nguồn nhân lực và sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Đây là lứa tuổi đang trong giai đoạn phát triển, hoàn thiện thể chất, tinh thần, hành vi lối sống và rất dễ mắc bệnh tật. Môi trường trường học có nhiều nguy cơ tiềm ẩn dễ phát sinh bệnh, tật ở trẻ em và học sinh.

Hiện nay nhiều nước trên thế giới xem trường học là nơi để tập trung nâng cao sức khỏe, thay đổi hành vi lối sống cho thế hệ tương lai của đất nước thông qua giáo dục sức khỏe, rèn luyện kỹ năng sống, cải thiện môi trường học tập, điều kiện chăm sóc sức khỏe cho học sinh. Vì vậy việc tổ chức triển khai xây dựng trường học nâng cao sức khỏe và phòng chống bệnh tật học đường cho học sinh trên phạm vi cả nước là rất cần thiết và phù hợp với xu thế chung của khu vực và thế giới.

Để triển khai đầy đủ và kịp thời các biện pháp chăm sóc trẻ em trong độ tuổi đến trường tại các trường học, vai trò của công tác y tế trong trường học là rất quan trọng và cần thiết. Hoạt động y tế trường học tập trung công tác chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh học đường cho học sinh, phòng chống dịch bệnh có nguy cơ lây truyền trong trường học, đồng thời cũng là nơi đầu tiên sơ cấp cứu cho học sinh trong những trường hợp các em ốm hoặc tai nạn thương tích tại trường trước khi chuyển viện. Điều này rất quan trọng trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe học sinh. Cán bộ y tế trường học cũng là người tham mưu cho Hiệu trưởng tổ chức triển khai các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, triển khai các chương trình phòng chống dịch, bệnh cho học sinh trong trường.

Theo Suckhoedoisong – BS. Bùi Mai Hương- Xuân Thủy

Đủ kiểu dạy kỹ năng sống cho học sinh

Kỹ năng sống được nhắc đến nhiều và trở thành một hoạt động giáo dục thường xuyên trong các trường phổ thông nhưng thực trạng giảng dạy và hiệu quả ra sao lại chưa có thước đo.

Vụ việc 3 học sinh (HS) mầm non bị bỏng nặng vì học kỹ năng thoát hiểm vừa qua ở Hà Nam như thêm một câu hỏi lớn: Phải chăng khi hậu quả xảy ra, chúng ta mới nhìn lại hiện nay, từ phương pháp, chương trình đến giáo viên giảng dạy kỹ năng sống (KNS) đều có vấn đề?

Lệch lạc về khái niệm

Tháng 8-2015, dư luận cả nước ngỡ ngàng khi sách “Thực hành KNS cho học sinh lớp 1” của một tác giả dạy HS bài học về lòng dũng cảm bằng cách đi qua thảm thủy tinh. Chưa hết, bài học về lòng dũng cảm còn có phần mô tả HS lấy kim tiêm tự đâm vào tay, rút ra, sau đó tự thoa thuốc đỏ rồi dùng bông băng lại. Theo tác giả, trẻ em hiện nay thấy kim tiêm là khóc nên bài học này sẽ giúp trẻ đối diện với sự sợ hãi. Nhóm tác giả lý giải đó là những kỹ năng sinh tồn và đa số chúng ta chết vì sợ hãi chứ không phải chết vì tai nạn…

Rất may, trước những phản ứng của phụ huynh và các nhà giáo, NXB Giáo dục Việt Nam đã thu hồi hàng loạt sách dạy KNS có những bài học phản cảm như trên.

Theo các chuyên gia giáo dục, các sách dạy KNS đang bán tràn lan đều được viết dựa theo quan niệm, kinh nghiệm của mỗi tác giả. Chính vì thế, không ít cuốn sách “đánh” vào tâm lý của phụ huynh là muốn con giỏi, thông minh nên có những cái tên rất “kêu”, rất thu hút như giáo dục kỹ năng tư duy hay những bài học tự cổ vũ bản thân, ai cũng tài giỏi…

Đủ kiểu dạy kỹ năng sống cho học sinh - Ảnh 1.

Kỹ năng sống đã trở thành môn học bắt buộc ở các cấp học tại TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH

Sở dĩ có điều này là vì nhiều tác giả hiện nay hiểu nhầm trẻ em là người lớn thu nhỏ nên đã lấy những quan niệm của người lớn về áp dụng và giảng dạy HS, do đó nhầm lẫn kỹ năng và thái độ, hành vi. Theo ThS Nguyễn Hồ Thụy Anh – giảng viên Trường Phát triển tài năng và tính cách John Robert Powers, nguyên giảng viên Khoa Ngoại ngữ Trường ÐH Sài Gòn – UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc) – định nghĩa KNS là kỹ năng hình thành các hành vi tích cực và thích nghi, cho phép mỗi cá nhân ứng phó hiệu quả với các đòi hỏi và thách thức của cuộc sống hằng ngày; nói cách khác là năng lực tâm lý xã hội… KNS có chức năng đem lại hạnh phúc và hỗ trợ cá nhân trở thành người tích cực và có ích cho cộng đồng. Các kỹ năng này có thể xếp thành 3 nhóm: kỹ năng nhận thức, kỹ năng làm việc với người khác và kỹ năng hiểu được chính mình.

Giáo viên thiếu, chương trình “nghèo”

Bắt đầu từ năm học 2010-2011, chương trình KNS được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ÐT) triển khai từ bậc tiểu học và gợi ý đây là môn học mở, tùy điều kiện từng trường để áp dụng. Đến nay, chương trình đã triển khai rộng khắp từ bậc mầm non đến THPT.

Tại TP.HCM, theo bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở GD-ÐT TP, quy định của sở là tất cả đơn vị trường học trong năm học phải đưa giáo dục KNS vào một trong những hoạt động bắt buộc của buổi học thứ hai (đối với các trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày), đồng thời đưa vào kế hoạch hoạt động của đơn vị để sở phê duyệt vào mỗi đầu năm học. Khi thực hiện ký kết với các đơn vị đào tạo, trường học cần quan tâm và bảo đảm 3 yếu tố: tính pháp lý của đơn vị hợp tác – được cấp phép hay chưa, đội ngũ giáo viên và chất lượng chương trình đào tạo.

Quy định là vậy nhưng thực tế hiện nay ở các trường, giáo dục KNS mới chỉ dừng lại ở hình thức mỗi nơi mỗi kiểu, nơi hào hứng, nơi lại kêu khó. Khó khăn lớn nhất của các trường là không có đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp giảng dạy, hầu hết là kiêm nhiệm. Chính vì kiêm nhiệm nên nhiều hoạt động chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa”.

Theo ông Trần Trọng Khiêm, Phó trưởng Phòng GD-ÐT quận Tân Phú phụ trách bậc tiểu học, quận cũng mới đưa hoạt động dạy KNS vào các trường trong 3 năm trở lại đây. Điều thuận lợi là được lựa chọn đơn vị giảng dạy từ một trong các trung tâm đã được Sở GD-ÐT TP HCM thẩm định và cấp phép từ giáo viên đến giáo trình. Nội dung giảng dạy cơ bản đáp ứng được các yêu cầu từ thực tế của HS trên cơ sở xây dựng các tình huống xảy ra và cách giải quyết các tình huống đó.

Thế nhưng, hoạt động này cũng gặp không ít khó khăn khi triển khai thực hiện. “Ðó là thời lượng chương trình quá ít, chỉ 1 tiết/tuần. Vì thế, nhiều trường chọn cách dạy tập trung, mà dạy với số lượng quá đông, từ 200-300 HS, thì rõ ràng hiệu quả sẽ không như mong muốn” – ông Khiêm băn khoăn. 

Theo Người Lao Động – Đặng Trinh

Có nên dẹp bỏ thư viện trường học: Học sinh thờ ơ, thư viện thành nhà kho

Nhiều học sinh từ cấp tiểu học đến sinh viên các trường đại học, cao đẳng đều không hề biết thư viện trường ở đâu vì lí do đầu sách nghèo nàn, lạc hậu.

Có nên dẹp bỏ thư viện trường học: Học sinh thờ ơ, thư viện thành nhà kho - 1

Một góc thư viện sách của một trường tiểu học ở Hà Nội. Ảnh: Đỗ Hợp

Thư viện chỉ bằng phòng học, chủ yếu sách giáo khoa

Đỗ Thị Hạnh, học sinh một trường THPT ở Hà Nội cho rằng, em không hay lên thư viện của trường. Mặt khác, Hạnh cho rằng, muốn ngồi đọc trên thư viện cũng khó có thời gian tìm sách vì giờ ra chơi giữa tiết có 5 phút, không lên kịp đọc gì đã hết giờ.

“Nếu như bên nước ngoài em thấy thư viện rất nhiều đầu sách, mở cửa thời gian dài trong ngày cho học sinh lên học thì ở trường em, thư viện chỉ mở trong buổi sáng, đến hơn 11h đã đóng cửa trong khi gần 12h bọn em mới được tan học. Như vậy, thời gian đâu để lên đọc sách trên thư viện được”- Hạnh nhấn mạnh.

Hạnh cho rằng, trong tuần em có 1-2 lần lên thư viện để mượn sách về nhà đọc. Cứ mượn 2 cuốn đọc xong trả thì lại mượn cuốn khác: “Nhiều lúc, em đến sớm muốn ngồi thư viện đọc sách thì nhân viên vẫn chưa đến, chưa mở cửa cho vào”- Hạnh cho hay.

Sở dĩ, theo Hương, thư viện trường em khá rộng, có phòng đọc cho giáo viên, học sinh. Tuy nhiên, đầu sách cũng không phong phú, cộng với thời gian giờ ra chơi tranh thủ không được bao nhiêu thời gian nên cứ học xong là em về. Họa hoằn lắm trong năm em mới lên thư  viện mượn 1,2 cuốn sách về đọc.

“Thư viện trường em chỉ mở buổi sáng. Chiều muốn đến đọc sách cũng chịu đấy. Mặt khác, thư viện chủ yếu chỉ có sách giáo khoa, sách tham khảo, mà những sách này thì đa số học sinh mua được. Chúng em cần những cuốn sách tâm lý, dạy kỹ năng sống với lứa tuổi,… nhưng  tìm mỏi mắt không có luôn”- Hương nhấn mạnh.

Cô Phạm Thị Nguyên An, giáo viên dạy Toán – Tin của một trường THPT ở Hà Nội cho rằng, thư viện ở nhiều trường còn khá nghèo nàn. Sách trên thư viện chỉ có sách giáo khoa, sách tham khảo các môn học nên khó có thể hấp dẫn học sinh.

Cũng theo cô An, thư viện trường cô dạy ngoài sách thì còn có lắp thêm 10 máy tính. Chính vì thế, thay vì lên thư viện đọc sách, nghiên cứu, mượn sách về nhà thì học sinh lên thư viện chỉ để ngồi máy tính và vào mạng đọc báo.

“Đúng là ngoài việc đầu sách còn nghèo nàn thì việc các thư viện mở thì muộn mà đóng thì sớm cũng khiến cho thư viện các trường học luôn chỉ có ít học sinh ngồi đọc”- cô giáo An nhấn mạnh.

Tại nhiều trường cao đẳng ở Hà Nội, thư viện trường có số đầu sách khá khiêm tốn nên phần lớn sinh viên đến thư viện chỉ để… đọc báo.

Một sinh viên khoa Kế toán cho biết, thư viện trường rất ít sách, đặc biệt là sách phục vụ chuyên ngành. “Muốn có sách tham khảo, nghiên cứu thì phải lên thư viện tổng hợp . Tuy nhiên, sách ở thư viện không đủ cung cấp nên cứ có bài luận, bài tập là phải lên mạng dùng “Google” để tra cứu.

Có nên dẹp bỏ thư viện trường học: Học sinh thờ ơ, thư viện thành nhà kho - 2

Góc truyện tranh của một thư viện. Ảnh: Đ.H

Vì sao học sinh vẫn “thờ ơ” với thư viện?

Lượng bạn đọc ít và không thường xuyên, hình thức hoạt động đơn điệu, cơ sở vật chất, trang thiết bị nghèo nàn là thực trạng của hệ thống thư viện ở nước ta hiện nay.

Câu hỏi đặt ra là, liệu điều này có gây ra sự lãng phí lớn khi các trường hàng năm vẫn phải xây phòng ốc cũng như hàng năm các trường vẫn phải trích tiền chi cho việc mua sách không?

Trao đổi về vấn đề này, TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng,  sở dĩ có thực tế này, vì ở Việt Nam chúng ta không dạy trẻ con đọc sách. 

TS Hương cho rằng, nếu các trường có thư viện mà học sinh không được tiếp xúc thường xuyên thì quá lãng phí, thậm chí có hại khi trẻ em học được tính hình thức từ người lớn.

Theo TS Hương, việc việc dạy trẻ có thói quen đọc sách là điều phụ huynh cần phải làm vì khi có sách, con sẽ không tin hoàn toàn vào thông tin trên mạng. Thậm chí, học sinh phải có khả năng kiểm chứng cả thông tin mạng.

Theo TS Hương, để thư viện các trường hoạt động hiệu quả hơn hiện nay thì các trường nên có tổng hợp về số lượng sách được học sinh đọc nhiều, số học sinh không bao giờ cầm tới, dạng tài liệu được thao khảo rộng rãi. Số thời gian học sinh ở trong thư viện. Có như vậy, mới biết nên thêm mới sách nào, bỏ đi sách không hữu ích, tránh được lãng phí đầu tư vào thư viện trường học.

“Cần có sự kiểm tra kiểm soát việc dạy kĩ năng đọc sách trong nhà trường”- TS Hương nhấn mạnh.

Vậy ngày nay khi mạng bùng nổ, chỉ một “click” đã có thể đủ thông tin và thay thế sách được không? TS Hương cho rằng, sách trên thư viện là một nguồn tư liệu không thể thay thế: “Nhưng việc con thích đọc sách hay không lại là quan niệm của bố mẹ là chính. Khi bố mẹ rèn được cho con “nghiện” lên thư viện, “nghiện” đọc sách, coi sách là nguồn tư liệu phong phú thì lúc đó con sẽ tự lựa chọn và chủ động trong việc lên thư viện đọc sách”- TS Hương nhấn mạnh.

Có nhất thiết phải ngồi ở thư viện?

Tại một hội thảo về đổi mới hoạt động thư viện trong thời kỳ mới hồi cuối năm 2018, nhà sử học Dương Trung Quốc nói xưa thư viện là nơi lưu trữ sách và mọi người đến tìm sách để đọc, nhưng nay thời đại đã thay đổi. Ông cho rằng ngành thư viện cần trả lời câu hỏi “có nhất thiết là mọi người phải đến thư viện ngồi đọc sách nữa không?”

Ông Dương Trung Quốc cho rằng, nếu câu trả lời là vẫn cần thiết thì các thư viện cần làm gì đó để phát huy được vai trò của mình. Ông gợi ý thư viện cần chuyển đổi thành một không gian sáng tạo, một nơi để mọi người đến tiếp nhận, trao đổi tri thức. Đừng nghĩ thư viện chỉ là sách mà còn là các hoạt động văn hóa khác.

Theo Đỗ Hợp (Tiền Phong)

‘Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh’

‘Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh’ là 1 trong 9 nhiệm vụ Phòng Giáo dục quận Tân Bình (TP.HCM) sẽ tập trung thực hiện trong năm học mới.

Học sinh tiểu học của quận Tân Bình trong ngày tựu trường /// Bảo Châu

Học sinh tiểu học của quận Tân Bình trong ngày tựu trường.  (Bảo Châu)

Ngày 30.8, Phòng Giáo dục quận Tân Bình (TP.HCM) tổ chức lễ tổng kết và triển khai nhiệm vụ năm học mới.

Theo thống kê từ Phòng Giáo dục quận Tân Bình, 100% thư viện các trường tiểu học và THCS đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú, phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất nhằm phát triển văn hóa đọc cho học sinh như: Kể chuyện theo sách, triển lãm sách, giới thiệu sách và tác giả, tổ chức ngày hội sách…

Năm học 2018-2019, 13/13 trường THCS đã tham gia hội thi Lớn lên cùng sách cấp quận dành cho các lớp 6, 7, 8 và 9. Qua hội thi học sinh hiểu và lan tỏa việc đọc sách, phát triển kỹ năng viết văn. 

Ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Giáo dục quận Tân Bình, đánh giá các trường ngày càng mạnh dạn hơn trong việc chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch chuyên môn, tích cực đổi mới hình thức, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá nhằm phát huy năng lực, sự sáng tạo của học sinh, trang bị cho học sinh kỹ năng tự học, các kỹ năng cần thiết để hội nhập, làm chủ công nghệ

Lãnh đạo Phòng Giáo dục quận Tân Bình cho hay trong năm học mới 2019 – 2020, phòng sẽ tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ cụ thể như: Tiếp tục phối hợp với các phòng ban tham mưu UBND quận đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trường trên địa bàn; tăng cường cơ sở vật chất trường lớp; đầu tư trang thiết bị hiện đại; đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng kịp thời cho việc triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống; giáo dục thể chất cho học sinh; bảo đảm an toàn trường học.

Theo Thanh Niên – Bích Thanh

Cô bé cõng em băng suối đến trường.

khai giảng,tựu trường,năm học mớikhai giảng,tựu trường,năm học mới

5 giờ sáng, khi sương mờ còn giăng kín đỉnh núi trước nhà, Trình Thị Lan đã ăn vội bắp ngô non, chuẩn bị quần áo để đến trường. 11 tuổi nhưng Lan nhỏ thó, thấp bé hơn hẳn bạn bè cùng trang lứa. Bộ quần áo truyền thống dân tộc Dao được mẹ may cho từ năm ngoái, đến năm nay vẫn rộng thùng thình so với cân nặng vỏn vẹn 23 – 24 cân của em.

Sáng nay, Lan sẽ đến trường ôn tập, sinh hoạt tập thể để chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới. Nhưng không chỉ đến trường một mình, Lan còn cõng theo cậu em trai hơn 2 tuổi, tên Hiếu, trên hành trình 3km.

Bố của Lan cột chiếc địu vào lưng em, vỗ về cậu con trai 2 tuổi và không quên dặn Lan đi chậm rãi, cẩn thận. Cô bé chào bố rồi vui vẻ cõng em tới trường.

Đôi chân Lan thoăt thoắt men theo con đường đất gập ghềnh. Để đến trường, em sẽ phải vượt qua một cây rưỡi đường đồi núi, sỏi đá lởm chởm và băng qua hai con suối. Đến mỗi đoạn dốc, cô bé lại còng gập lưng, một tay đưa về sau giữ em, một tay nắm chặt sách vở, gắng bước lên thật nhanh. Thỉnh thoảng, đặt chân lên hòn đá trơn trượt, Lan đững sững lại, giữ thăng bằng rồi mới dám bước tiếp. Sau trận mưa lớn cách đây mấy hôm, con đường đất sạt lở, trơn trượt, bùn đất bám đầy trên ống quần cô bé.

khai giảng,tựu trường,năm học mớikhai giảng,tựu trường,năm học mới

khai giảng,tựu trường,năm học mới

Hết con dốc lại đến con suối. Lan bảo, con suối là “ác mộng” của em vào mỗi mùa mưa. Khi ấy nước suối dâng cao, chảy siết, người lớn qua còn khó. Em có qua được thì cũng ướt nhẹp đến đầu gối, nước bắn tung tóe lên sách vở. Mùa khô này, nước chỉ chạm cổ chân, Lan vẫn có thể vừa cõng em vừa khéo léo ven theo hàng sỏi cao để sang bờ bên kia. Cậu em trai nằm im trên lưng chị, ngoan ngoãn ôm lấy cổ chị.

Thật kỳ lạ khi cô bé chỉ hơn hai chục cân nhưng vẫn vui vẻ cõng theo cậu em trai nay đã nặng 8 kilogram. Thỉnh thoảng, Lan còn trêu đùa với em, vừa đi vừa chỉ cho em con chim, con cá rồi hai chị em lại khúc khích cười vui. Dường như, cô bé chẳng mấy để ý đến gương mặt đã ướt mồ hôi của mình.

Sau một tiếng rưỡi đi bộ, hai chị em Lan cũng đã đến điểm trường Làng Cổng (Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH và THCS Đồn Đạc 2, huyện Ba Chẽ, Quảng Ninh). Cả hai chị em rạng rỡ hẳn lên, vui vẻ chạy vào lớp. Bạn bè của Lan đã quá quen với “người bạn cùng lớp” mới chỉ 2 tuổi nên cũng ùa tới giúp Lan cởi địu cho em.

khai giảng,tựu trường,năm học mớikhai giảng,tựu trường,năm học mới

Cậu bé được sắp xếp ngồi ngay ngắn bên cạnh chị gái mình. Cậu được các anh chị người thì cho mượn chiếc bút, tờ giấy, người thì cho miếng bánh, chiếc kẹo.

Cô Nguyễn Việt Hà – giáo viên chủ nhiệm năm Lan học lớp 4 vẫn nghẹn giọng nhớ lại ngày đầu tiên cô học sinh người Dao cõng em trai tới trường.

“Lan thường có thói quen đến lớp rất sớm nhưng hôm đó, trống đã điểm mà tôi vẫn chưa thấy em đâu. Một lúc sau, tôi thấy cô bé bẽn lẽn đứng ở cửa lớp, trên lưng còn địu cậu em trai. Cô bé run rẩy hỏi “Con địu em bé đến lớp học cùng có được không cô”? Lúc đó nhìn hai chị em Lan, chị thì mặt mũi nhễ nhại mồ hôi, cậu em thì mắt ngân ngấn nước mà tôi cũng trào nước mắt vì thương, xúc động. Tôi đồng ý cho em vào học cùng Lan rồi sắp xếp cho cậu bé ngồi cạnh chị.”

“Là giáo viên chủ nhiệm, tôi vốn biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình em nhưng lúc đó tôi cũng không khỏi ngạc nhiên khi em phải cõng theo em trai đến trường.” – cô Việt Hà chia sẻ thêm.

khai giảng,tựu trường,năm học mới

Thương cô trò nhỏ mỗi sáng trèo dốc, lội suối ròng rã 3 kilomet cõng em đến trường, vài ngày sau, cô Việt Hà lập tức đến thôn Khe Mằn (xã Đồn Đạc 2, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh) thăm và hỏi tường tận hoàn cảnh gia đình em.

“Con đường vào nhà Lan gập ghềnh, nhấp nhô lại qua mấy đoạn suối trơn trượt, tôi còn vất vả mới vào đến nơi. Nghĩ đến cảnh mỗi sáng em còng lưng cõng em trai vượt con đường ấy đến trường mà tôi vừa xót xa vừa cảm phục.”

Trình Thị Lan sinh ra và lớn lên trong một hộ gia đình nghèo với cha mẹ đều là người dân tộc Dao. Bố em bị bệnh động kinh nên thường xuyên đau ốm, không lao động được, năm ba tháng lại phải đi bệnh viện tâm thần tỉnh điều trị. Mẹ là lao động chính trong nhà nên quanh năm phải đi nương rẫy, mùa ngô trồng ngô, mùa lúa trồng lúa không thì đi cắt cỏ thuê, hái rau rừng.

 

Một mình mẹ em vừa lo chữa bệnh cho chồng, nuôi 3 đứa con trong đó có Lan và chị gái đang tuổi ăn học. Vì chị gái Lan đã học tới lớp 9, sắp có thể đi học nghề nên nhiều lần, bố mẹ muốn khuyên Lan nghỉ học, ở nhà trông em để mẹ kiếm tiền nuôi người chị ăn học. Mỗi lần như vậy, cô bé đều van xin bố mẹ đừng bắt em nghỉ học rồi khóc cả đêm không thôi.

khai giảng,tựu trường,năm học mớikhai giảng,tựu trường,năm học mới

“Con bé sợ phải nghỉ học lắm. Cứ đi học về là vội vã phụ bố mẹ nấu cơm, cho gà cho vịt ăn, cắt rau, cắt cỏ, chăm em… Nó cố gắng làm hết việc trong nhà để bố mẹ yên tâm cho đi học. Ngày mùa, không gửi em cho ai được, tôi thì ốm nặng, muốn Lan nghỉ học vài hôm nó cũng không nghe, khóc cả đêm rồi xin được cõng em tới trường.” – anh Trịnh A Tài, bố của Lan kể lại.

khai giảng,tựu trường,năm học mớikhai giảng,tựu trường,năm học mớikhai giảng,tựu trường,năm học mới

Từ trường về nhà, cô bé vừa đặt em xuống với bố lại chạy vội đi nấu cơm, cho đàn vịt ăn, quét dọn sân vườn. Mâm cơm của cả gia đình 5 người chỉ vỏn vẹn một đĩa đỗ xào muối trắng, bát quả trám rừng kho riềng. Thỉnh thoảng, để dễ ăn, Lan lại đứng dậy đổ thêm nước lọc vào cơm rồi vừa ăn vừa kể chuyện trên lớp cho bà và bố mẹ nghe.

Chiều chiều em theo mẹ ra đồng cắt cỏ, hái rau hoặc trông em, đọc truyện cho em nghe. “Con không sợ vất vả, con chỉ sợ phải nghỉ học. Con rất muốn được học chữ, được đến trường nhưng không biết bố mẹ nuôi con ăn học được đến bao giờ. Bố con bệnh nặng lắm cô ạ.” – cô bé rơm rớm nước mắt tâm sự.

khai giảng,tựu trường,năm học mới

Thương cô học trò nhỏ, cô Việt Hà đi quyên góp từ bạn bè, đồng nghiệp từng bộ quần áo, sách vở và tiền mặt cho Lan. Cô cũng không ngại khó, nhiều lần vào thăm nhà Lan, động viên bố mẹ cho em được đến trường.

Cô Hà báo cáo trường hợp của em Lan cho ban giám hiệu nhà trường, phòng giáo dục huyện Ba Chẽ. Ban giám hiệu đồng ý với việc có thêm thành viên nhí 2 tuổi trong lớp học tại điểm trường Làng Cổng. Đợi khi cậu bé cứng cáp hơn, các thầy cô sẽ giúp gia đình đăng kí cho cậu bé học nhà trẻ.

khai giảng,tựu trường,năm học mới

Cô bé Lan phấn khởi thấy rõ kể từ khi được cô Hà và nhà trường đồng ý cho hai chị em cùng đến lớp.

“Hoàn cảnh khó khăn là vậy nhưng Lan vẫn học hành rất chăm chỉ. 4 năm liền em đều có kết quả học tập tốt, nằm trong nhóm học sinh học khá giỏi của lớp. Điều đặc biệt là Lan rất ngoan, lễ phép và lạc quan. Em chưa bao giờ than thở hay có ý định bỏ học. Đây là điều đáng quý khiến thầy cô, bạn bè xúc động,” – cô Hà chia sẻ.

khai giảng,tựu trường,năm học mới

Ở tuổi 11, cô bé Trình Thị Lan luôn nung nấu ước mơ được trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho bố, cho gia đình và những người đồng bào dân tộc Dao nghèo khó.

“Nhiều lần bố con đau lắm nhưng không có tiền để đi viện. Bố toàn cố chịu đau thôi. Bố sợ đi viện tốn tiền sẽ không có tiền mua gạo cho chị em con ăn.” – Lan kể.

“Con ước mơ có thể học giỏi và trở thành bác sĩ. Nhưng con chỉ sợ, bố mẹ không thể nuôi con ăn học…” – cô bé nói.

khai giảng,tựu trường,năm học mớikhai giảng,tựu trường,năm học mới

Sau khi nắm được hoàn cảnh đặc biệt của Lan và tinh thần vượt khó, hiếu học của em, lãnh đạo phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Ba Chẽ đã trực tiếp đến thăm hỏi, vận động gia đình. Năm học mới 2019 – 2020, các thầy cô đã quyên góp ủng hộ, lắp đặt góc học tập mới, mua sắm sách vở, đồ dùng học tập cho Lan. Cô Hoàng Thị Oanh – trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Ba Chẽ  nhiều lần trực tiếp đến nói chuyện, động viên gia đình đưa bé Hiếu – em trai Lan đến điểm trường mẫu giáo gần nhất vào năm học mới này.

khai giảng,tựu trường,năm học mới

Huyện Ba Chẽ là một trong những địa phương khó khăn nhất của tỉnh Quảng Ninh, về kinh tế, điều kiện địa lý, xã hội và đặc biệt là giáo dục. 80% học sinh tại đây là người dân tộc thiểu số với tỷ lệ các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn rất cao. Người dân tộc Dao vẫn còn có tư tưởng, nhận thức lạc hậu, không muốn cho con em đến trường và thậm chí chính các em cũng ngại khó, ngại khổ, ngại học tập. Cứ khó khăn một chút là nhiều em nghỉ học, bỏ học. Việc em Lan kiên quyết đến trường dù phải đi xa, phải cõng theo em thể hiện tinh thần hiếu học hiếm có của em. Do vậy chúng tôi cố gắng tạo mọi điều kiện tốt nhất cho em được theo đuổi ước mơ đến trường.” – cô Hoàng Thị Oanh – trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo huyện chia sẻ.

khai giảng,tựu trường,năm học mới

Hiện nay trên địa bàn huyện Ba Chẽ có hơn 5000 học sinh ở các bậc học khác nhau với gần 80 điểm trường, hầu hết đều nằm ở các thôn bản miền núi có điều kiện khó khăn. Những ngày chuẩn bị cho năm học mới, các thầy cô tại đây lại lặn lội vào từng thôn, bản, đến từng gia đình động viên các em tới lớp tới trường. Hành trình cõng em đến trường, quyết tâm không bỏ học của cô bé Lan trở thành câu chuyện xúc động được các thầy cô mang đến các bản làng để chia sẻ tới mọi người nhằm khích lệ tinh thần các học trò nghèo khác.

khai giảng,tựu trường,năm học mớikhai giảng,tựu trường,năm học mới

“Cô học trò nhỏ còn không ngại khó ngại khổ vượt dốc, băng suối đến trường thì những người thầy như chúng tôi sao có thể vì sợ vất vả, cực nhọc mà bỏ rơi các em. Chúng tôi vẫn sẽ bám trường, bám lớp, tiếp tục đến các thôn bản để vận động các gia đình dân tộc thiểu số cho con đến trường. Đồng thời huy động nguồn xã hội hóa để xây dựng trường, lớp khang trang hơn, giúp đỡ cho nhiều em học sinh khó khăn hơn nữa. Mục tiêu của ngành giáo dục huyện Ba Chẽ và toàn tỉnh Quảng Ninh chính là để 100% trẻ em được tới trường. Chúng tôi sẽ cùng Lan và tất cả học sinh của mình viết tiếp ước mơ đến trường…” – cô Oanh cho hay.

khai giảng,tựu trường,năm học mớikhai giảng,tựu trường,năm học mới

khai giảng,tựu trường,năm học mới

Theo Vietnamnet – Linh Trang – Anh Phú – Diễm Anh