Bữa sáng phải là bữa chính

Bữa sáng phải là bữa chính

Châm ngôn phương Tây có câu: “Hãy ăn sáng như một vị hoàng đế, ăn trưa như một hoàng tử và ăn tối như một kẻ ăn mày” nhấn mạnh vai trò của bữa ăn sáng, cảnh giác với việc ăn uống quá nhiều vào buổi tối không tốt cho sức khỏe.

Nếu như những năm trước đây tình trạng thừa cân, béo phì chưa phổ biến thì ngày nay lớp học nào ở thành phố, thậm chí ở nông thôn cũng có trẻ béo phì. Trẻ béo phì rất sớm và xuất hiện nhiều ở lứa tuổi tiểu học. Trong khi nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam ở lứa tuổi từ 6 – 11 tuổi cần khoảng 1.600 – 2.100Kcalo/trẻ/ngày (tùy theo lứa tuổi, trẻ nam hay nữ mà có sự tăng, giảm) thì dường như chúng ta đang cho trẻ ăn vượt số lượng, không cân đối các chất dinh dưỡng, liều lượng các bữa ăn cũng chưa hợp lý.

BS Đào Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM cho biết, bữa ăn sáng đặc biệt quan trọng. Bộ não chúng ta rất cần chất đường glucose để hoạt động, đòi hỏi phải được cung cấp liên tục từ máu. Đường huyết giảm thì não bị đói sẽ hoạt động kém, gây ra trạng thái thờ ơ, không thể tập trung suy nghĩ, giảm khả năng học tập. Học sinh, sinh viên bụng rỗng đến lớp học sẽ kém tập trung, hay buồn ngủ, học lâu nhớ, mau quên.

Theo tính toán của các chuyên gia dinh dưỡng, năng lượng của bữa sáng nên chiếm từ 1/4 – 1/3 (25 – 30%) tổng năng lượng trong ngày. Nhu cầu năng lượng của từng người phụ thuộc vào tuổi, chiều cao, giới tính và cường độ lao động. Thông thường năng lượng bữa sáng dao động từ 200 – 800kcal tùy trẻ em hay người lớn. Bữa sáng nên có thịt, cá, trứng, đậu đỗ, cung cấp các lọai acid amin cần thiết cho họat động não bộ, tăng tính năng động. Nếu chỉ ăn tinh bột như bánh mì, khoai, cơm dễ gây buồn ngủ. Bữa sáng dù cập rập cũng nên cho trẻ ăn rau hoặc hoa quả để giúp trẻ đủ chất, khỏe khoắn và chống béo phì.

Trẻ đi học cả ngày thì bữa ăn sáng phải được coi là bữa chính với đủ 4 nhóm thực phẩm như tinh bột (cơm, cháo, bún, mỳ…), chất đạm (thịt, cá, tôm, trứng…), chất béo (dầu, mỡ, bơ), nhóm thực phẩm cung cấp vitamin và khoáng chất như rau củ và trái cây.

Hiện nay, nhiều trẻ thừa cân nên cha mẹ hạn chế cho trẻ ăn nhiều, kể cả bữa sáng nhưng theo các chuyên gia dinh dưỡng, nếu muốn trẻ giảm cân thì cũng không nên cho trẻ nhịn ăn sáng vì nếu để trẻ quá đói sẽ làm trẻ ăn nhiều hơn vào bữa trưa và tối, dễ gây tích mỡ. Trẻ béo phì nên chia nhỏ lượng thức ăn để ít gây tăng cân và hạn chế ăn muộn sau 20g. ở bữa phụ là bữa chiều, trẻ có thể được uống sữa tươi không đường hoặc sữa tươi không đường tách béo và giàu canxi. Các bữa ăn khác trong ngày nên hạn chế các món rán, xào, nên cho trẻ ăn các món luộc, hấp và kho. Hạn chế cho trẻ uống các loại nước ngọt có gas và có nhiều đường vì đây là những đồ uống không tốt cho sức khỏe, dễ tạo thói quen thích uống nước ngọt sau này.

Theo Khoa Học & Đời Sống – Khánh Thủy

32% chiều cao của trẻ phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng

32% chiều cao của trẻ phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng

 

Việt Nam là 1 trong 5 nước có chiều cao thấp nhất thế giới. Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, 24,9% trẻ dưới 5 tuổi ở nước ta hiện nay có chiều cao thấp. Một trong những nguyên nhân của hiện trạng này là tình trạng thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết như canxi và vitamin D3 – hai thành phần cốt yếu hỗ trợ phát triển chiều cao, tăng cường sức khỏe xương, giúp phòng ngừa tình trạng thấp còi ở trẻ.

Những giai đoạn vàng để tăng chiều cao

Tại hội thảo: “Cho xương chắc khỏe giúp trẻ vươn cao” do Viện Dinh dưỡng Quốc gia phối hợp với Sanofi Việt Nam tổ chức đã đưa ra thông tin đáng chú ý: 32% chiều cao của trẻ phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng trong đó canxi đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong việc cải thiện chiều cao, giảm tỷ lệ gãy xương và tăng khối lượng xương đỉnh ở trẻ em. Vitamin D3 đóng vai trò kích thích hấp thu canxi, photpho, làm xương phát triển rắn chắc. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, thiếu hụt vitamin D có thể là nguy cơ gây nhiều bệnh ngoài hệ thống xương như ung thư, đái tháo đường .

Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, khẩu phần ăn hàng ngày của ta chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu canxi và gần 11% nhu cầu vitamin D của cơ thể theo mức khuyến nghị. Trên thực tế, cơ thể trẻ chỉ nạp khoảng 50% lượng canxi qua thức ăn, phần còn lại sẽ bị bài tiết ra ngoài, vì vậy bổ sung canxi và vitamin D rất cần thiết. BS.CKII. Nguyễn Thị Thu Hậu, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Đồng 2 chia sẻ: “Canxi trong khẩu phần của trẻ chủ yếu từ nhóm sữa và chế phẩm sữa và một số thức ăn giàu canxi như cá nhỏ, tôm tép, rau xanh… Bố mẹ thường khó có thể xác định chính xác hàm lượng canxi nạp vào từ bữa ăn, trong khi chưa kể một số trẻ còn dị ứng sữa hay không dung nạp lactose từ sữa và các chế phẩm từ sữa.

Các nghiên cứu ở trẻ em Việt Nam chỉ ra, trẻ càng lớn, lượng canxi từ thức ăn trong khẩu phần càng thiếu. Phụ huynh nên xem xét chủ động bổ sung canxi và vitamin D3 cho trẻ bên cạnh chế độ dinh dưỡng hàng ngày, kết hợp với vận động, tắm nắng, ngủ đủ giấc để phát triển chiều cao tối ưu. Đối với trẻ nhỏ, 1.000 ngày đầu đời và giai đoạn dậy thì (12-18) tuổi là những giai đoạn vàng để phát triển chiều cao. Do đó, đây là thời điểm cần chú trọng đặc biệt trong việc bổ sung canxi và vitamin D3 nhằm đảm bảo mật độ phát triển xương ở trẻ.

Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, việc bổ sung đủ canxi ở trẻ em rất quan trọng với nhiều vai trò như tăng khối lượng xương đỉnh, giảm tỷ lệ gãy xương, cải thiện chiều cao. Các nghiên cứu chỉ ra, tốc độ tích lũy khoáng xương đạt 40% ở tuổi thiếu niên, 90%  khi 18 tuổi, 100%  khi  20 tuổi. Việc tăng khối lượng xương đỉnh ở giai đoạn thanh thiếu niên giúp giảm nguy cơ loãng xương ở tuổi trưởng thành.

Thiếu vitamin D chiếm tỷ lệ cao

Năm 2010 chúng ta đã tiến hành nghiên cứu tỷ lệ thiếu vitamin D trên toàn quốc, tỷ lệ thiếu và không đủ vitamin D đã được báo cáo trong các nghiên cứu ở Việt Nam. Điều tra ở TP HCM trên 205 nam giới trưởng thành và 432 phụ nữ đã cho thấy, tỷ lệ không đủ vitamin D ở nam là 20%, thấp hơn có ý nghĩa so với phụ nữ là 46%. Kết quả điều tra vi chất ở 19 tỉnh của Việt Nam năm 2010 cho thấy, khẩu phần vitamin D hàng ngày chỉ cung cấp 8% nhu cầu khuyến nghị của phụ nữ và 10,6 % nhu cầu khuyến nghị cho trẻ em 1-3 tuổi. Tỷ lệ thiếu vitamin D là 59,3% phụ nữ ở thành thị, 56,2 % phụ nữ nông thôn, 62,1% trẻ em ở thành thị và 53,7% trẻ em nông thôn. Vitamin D có nhiều loại, trong đó quan trọng nhất là D2, D3.

Vitamin D2 (ergosterol, ergocalciferol) được tạo nên từ tiền chất ergosterol, có trong  thực vật và nấm men. D3 (cholecalciferol) có 2 nguồn: Do cơ thể tổng hợp từ tiền chất vitamin D3 mà nguyên liệu là cholesterol, có ở trong da, dưới tác dụng tia tử ngoại ánh sáng mặt trời, hoạt hóa thành D3 vận chuyển khắp cơ thể, dự trữ ở gan. Nguồn này chiếm 50 – 70% vitamin cho cơ thể. Nguồn thứ 2, do các thực phẩm cung cấp, có nhiều ở dầu cá.

Vitamin D giúp kích thích ruột hấp thu canxi, photpho, tăng lượng canxi trong máu, tập trung vào xương, kích thích thận hấp thu photpho. Những trẻ em thiếu vitamin D nói chung sẽ có ảnh hưởng xấu đến bộ xương, gây còi xương, người lớn đau nhức cơ bắp nhưng ngược lại, nếu sử dụng quá liều vitamin D cũng rất nguy hiểm. Biểu hiện của người thừa vitamin D là chán ăn, buồn nôn, có thể mất nước, đi tiểu nhiều, huyết áp cao. Biện pháp tốt nhất để nạp vitamin D là ăn các thực phẩm giàu vitamin D từ tự nhiên và tắm nắng. Khi không đủ canxi và vitamin D cần đi khám tư vấn dinh dưỡng để được bổ sung kịp thời và an toàn.

Theo Khoa Học & Đời sống – Khánh Thủy

Tiến sĩ Trần Quốc Phúc chỉ ra “Bộ tứ thần thánh” trong hành trình nuôi dạy con cái

Hàng trăm phụ huynh, những người yêu trẻ tham dự khóa học của Tiến sĩ Trần Quốc Phúc.

Hàng trăm phụ huynh, những người yêu trẻ tham dự khóa học của Tiến sĩ Trần Quốc Phúc.

Khóa học “Bí quyết dạy con xuất chúng” của Tiến sĩ – Kỷ lục gia Trần Quốc Phúc được tổ chức tại Hà Nội đã thu hút hàng trăm phụ huynh, những người yêu trẻ tham gia.

Vốn sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, từ những điều mà chính bản thân mình đã trải qua trong thời niên thiếu, những điều quan sát được từ hàng trăm gia đình… Tiến sĩ Trần Quốc Phúc quyết định phải làm điều gì đó để giúp cho thế hệ tương lai có thể tốt hơn, giúp các phụ huynh cân bằng được cuộc sống.

Vậy nên, ông đã không ngừng nghiên cứu và học hỏi từ các chuyên gia giáo dục, những người thầy trên khắp thế giới trong suốt 10 năm qua.

 Tiến sĩ, Kỷ lục gia Trần Quốc Phúc chia sẻ trong khóa học “Bí quyết dạy con xuất chúng”. Ảnh: Ngọc Trang

Từ đó, ông đã giúp cho hơn 20.000 gia đình luôn đầy ắp tiếng cười, 20.000 phụ huynh không còn bối rối trước bài toán về giáo dục con cái và hơn 20.000 đứa trẻ đang lớn lên mỗi ngày với sự hoàn thiện cả về nhân cách và trí tuệ!

Bí Quyết Dạy Con Xuất Chúng là tất cả những kiến thức cần thiết cho bất cứ phụ huynh nào. Nó được thiết kế để giúp bạn cùng lúc có thể xây dựng gia đình hạnh phúc và sự nghiệp vững vàng, nuôi dạy các con hoàn thiện cả về trí tuệ và nhân cách!

 Tiến sĩ Trần Quốc Phúc luôn cảm ơn các cộng sự đã đồng hành cùng với ông.

Tiến sĩ Trần Quốc Phúc chia sẻ: “Cho đến bây giờ, vẫn còn những cha mẹ nuôi dạy con theo cách vô cùng bản năng. Thường thì họ sẽ dựa trên những cách giáo dục mà họ biết, đặc biệt là cách giáo dục mà chính bản thân họ đã trải qua trong thời niên thiếu.

Và rồi, những sự mù mờ tri thức trong việc dạy con của cha mẹ đã tạo nên những đứa trẻ nhút nhát, tự ti, nói dối, cộc cằn, chưa biết chăm sóc bản thân,…Chính vì vậy, muốn con hạnh phúc, thành công thì bản thân cha mẹ cũng phải học hỏi, có phương pháp giáo dục đúng để con luôn được sống trong niềm vui, có trí tuệ và nhân cách”.

Trong khóa học dành cho các phụ huynh và những người yêu trẻ, Tiến sĩ Trần Quốc Phúc đã chia sẻ những câu chuyện thực tế, những bài học đã từng trải qua và đúc kết lại trong quá trình học tập, nghiên cứu của mình.

Trong số đó, ông đã chỉ ra “Bộ tứ thần thánh” trong hành trình nuôi dạy con cái cần phải có:

Người bạn cùng tiến

Muốn con tiến bộ thì phải có những người bạn tiến bộ, bởi con gần ai sẽ “nhiễm” của người đó. Nếu xung quanh con, những người bạn của con là những người tích cực thì con cũng sẽ có năng lượng tích cực để tiến bộ mỗi ngày.

Người thầy

Trong bài chia sẻ của mình, Tiến sĩ Trần Quốc Phúc nói về những người thầy mà ông được học trong cuộc sống. Họ là một phần giúp ông có được như ngày hôm nay. Ông từng là học trò xuất sắc của Diễn giả số 1 thế giới Tony Robbins.

Tiến sĩ Trần Quốc Phúc cho rằng, bên cạnh con cần có những người thầy để con học hỏi và định hướng cho con đi đúng đường. Đó có thể là người thầy trên bục giảng, có thể là người thầy ngoài cuộc sống và cũng có thể là cha mẹ.

Môi trường

Môi trường xung quanh ảnh hướng rất lớn đến con trẻ. Chính vì vậy, dù là ở nhà hay ở đâu, người lớn cần làm gương trước để con học theo. Nếu nuôi dưỡng con trong một môi trường lành mạnh, con sẽ lớn dần lên với những điều tích cực nhất. Điều này đóng vai trò rất lớn của cha mẹ khi biết chọn môi trường sống, môi trường học tập cho con.

Công cụ

Tiến sĩ Trần Quốc Phúc khẳng định, cha mẹ muốn nuôi dạy con tốt hãy biết kết nối với những người có kinh nghiệm và quan trọng là biết chọn sách để đọc.

Ông cho rằng, người thành công là người biết sử dụng đòn bẩy nên trong phương pháp dạy con cha mẹ cũng cần phải học tập để con có được thành công như mong muốn.

Ngoài “bộ tứ thần thánh”, buổi học đầu tiên, học viên còn được lắng nghe rất nhiều kinh nghiệm quý báu trong nuôi dạy con. Theo đó, điều quan trọng nhất là cha mẹ phải là một tấm gương cho con. Muốn con hạnh phúc, cha mẹ phải hạnh phúc. Muốn con biết chào hỏi, cha mẹ hãy chào hỏi,…

Rất nhiều phụ huynh chia sẻ về những điều bổ ích học được từ buổi đầu tiên. Họ đều nhận thấy bản thân mình cần tích cực hơn, thay đổi những gì chưa phù hợp để gia đình có cuộc sống viên mãn.

Là học trò xuất sắc của diễn giả số 1 thế giới Tony Robbins, Tiến sĩ-Kỷ lục gia Trần Quốc Phúc có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nuôi dạy con trẻ.

Tiến sĩ Trần Quốc Phúc được học tập và làm việc cùng các Kỷ lục gia Thế giới, triệu phú quốc tế, Chuyên gia bậc thầy về phát triển cá nhân; Top 12 Kỷ lục gia nhận giải vàng cống hiến thế giới trong lĩnh vực giáo dục;

Là tác giả bộ tác phẩm nhân cách và thói quen thành đạt vườn tâm hồn. Năm 2016, tác phẩm “Vườn tâm hồn” được xác lập Kỷ lục Việt Nam về ứng dụng giáo dục nhân cách con người.

Tháng 5/2017, tác phẩm này còn nhận được Đĩa Vàng Cống hiến do Viện Nội dung Kỷ lục Thế giới trao tặng.

Theo Giáo Dục & Thời Đại – Ngọc Trang

Đừng lừa dối trẻ rằng học tập là công việc thú vị và dễ dàng

Trẻ em nên được biết rằng học tập là công việc khó khăn và kèm theo thất bại liên tiếp, nhưng đó là một quá trình trưởng thành đáng nhớ.

Mới đây, hiệu trưởng một trường tiểu học tên Kingsland ở Peebles, thuộc biên giới Scotland đăng tải bài viết bày tỏ suy nghĩ của mình về vấn đề dạy học cho trẻ em. Quan điểm của cô nhận được sự quan tâm và ủng hộ của nhiều người.

Theo cô Susan Ward, cha mẹ không nên nói với con em mình rằng học tập là một điều gì đó vui vẻ và dễ dàng nếu muốn đứa trẻ phát triển một cách tốt nhất và thành công trong tương lai.

Dùng lùa dói trẻ ràng học tạp là cong viẹc thú vị và dẽ dàng hinh anh 1

Dưới đây là bài viết được đăng trên trang cá nhân của cô Susan:

“Đầu năm học luôn là thời điểm mà các thầy cô giáo sẽ cùng nhau “lên dây cót” tinh thần cho các em học sinh nhằm tạo ra một môi trường học tập hào hứng và đầy phấn khởi, chuẩn bị cho những ngày tháng học tập hiệu quả phía trước. 

Nhiều giáo viên cố gắng xây dựng giáo trình với nhiều bài học tương tác, tranh treo tường hấp dẫn cùng những phần thưởng hay ho để học sinh, kể cả những đứa trẻ lười biếng nhất cũng phải thay đổi suy nghĩ của mình. Cách tiếp cận này nhằm mang đến cho học sinh một thông điệp rằng: học tập rất thú vị!

Nhưng liệu rằng đó có phải là sự thật? Hãy nhớ về những lần cuối cùng bạn học được một điều gì đó. Nói thật, bạn có thấy vui vẻ không? Bởi học tập thực sự là một công việc rất khó và kèm theo cả những thất bại liên tiếp trong cuộc đời.

Ví dụ đơn giản như khi bạn học lái xe. Bạn có nhớ khi bước xuống xe và kết thúc bài học, bạn có thấy chân mình vẫn còn run, và lòng bàn tay thì toát mồ hôi không? Đôi khi bạn còn thấy đau đầu và mệt mỏi do phải quá tập trung phải không? Liệu bạn có thể mô tả quá trình học lái xe là một niềm vui? Riêng tôi thì không.

Hãy suy nghĩ về một đứa trẻ tập đi. Bao nhiêu lần đứa trẻ đó đứng lên, tập đi rồi bị ngã, khóc và sau đó tiếp tục đứng dậy để thử lại, chỉ để ngã thêm một lần nữa? Những người làm cha mẹ đều biết rằng, đó là cảm giác thót tim khi nhìn đứa con nhỏ bé của mình loạng choạng tập đi rồi như chỉ chực ngã, biết rằng rồi sẽ lại có một tiếng khóc bật đến. Điều này nghe có vui hay không? Tôi thì không cảm thấy vui.

Để làm một điều gì đó mang lại cho chúng ta sự vui vẻ, chúng ta phải được làm việc trong tâm trạng thoải mái, thưởng thức những gì đang diễn ra. Vui vẻ là khi bạn được tắt tiếng chuông báo thức, kéo lại chăn và tiếp tục giấc ngủ ngon lành. Bạn không gặp áp lực hay kỳ vọng phải đạt được điều gì, chỉ cần làm những gì mình muốn. Những điều thú vị không đòi hỏi bạn phải nỗ lực hay chịu đựng, luyện tập hay kiên trì. Những điều thú vị không đòi hỏi bạn có chút gì khó chịu, vượt qua giới hạn của chính mình và kiểm tra khả năng của bạn.

Học hành không phải là điều thú vị.

Như vậy, không có gì chứng tỏ rằng việc học thêm một cái gì đó là vui vẻ. Tất nhiên, sau khi thành thạo một công việc hay một kỹ năng mới, bạn sẽ thấy vô cùng thỏa mãn. Tuy nhiên, để đạt được những đỉnh cao cao vút đó, bạn phải vượt qua những vũng bùn.

Bạn phải tiếp tục tiến lên khi cảm thấy muốn bỏ cuộc và cố gắng hết sức để vượt qua những hoài nghi về bản thân, khi bạn cảm thấy như mọi người đều có thể làm được điều đó trừ bạn. Bạn cần duy trì những khóa học và dành thời gian thực hành cần thiết để có thể thực sự nhuần nhuyễn với những kĩ năng mới. Sau đó, bạn lại mất thêm nhiều thời gian hơn để tích hợp nó vào công việc bạn đang làm trước đây rồi mới thấy được lợi ích thực sự mà công việc đó mang lại. Tất cả những điều này đều là thử thách lớn với chúng ta khi trưởng thành.

Việc lừa dối một đứa trẻ rằng học tập rất vui là điều không công bằng với chúng. Thậm chí, nó còn phản tác dụng trong việc giúp đứa trẻ phát triển một cách toàn diện hơn. Tại sao chúng ta lại báo hiệu với con em mình rằng những thử thách trước mắt mà chúng phải trải qua là một điều dễ dàng, và lại còn vui vẻ?

Nếu bạn muốn con bạn thành công, hãy thành thật với chúng. Hãy cho chúng biết học tập là một công việc khó khăn như thế nào. Mặc dù khó khăn nhưng đó là một quá trình vô cùng đáng giá, và bạn, những người làm cha mẹ sẽ luôn ở bên cạnh, hỗ trợ chúng vượt qua từng mốc khó khăn đó”.

 
VTC News – Quỳnh Anh (Theo Tes)

Triết lý Wabi sabi của người Nhật: Cuộc đời không gì hoàn hảo nên đừng cố tìm, hạnh phúc là khi con người chấp nhận sống với khiếm khuyết

“Wabi sabi không ép mọi người phải chấp nhận hay sống chung với những khiếm khuyết mà triết lý này nói về mọi thứ không hoàn thiện, chúng là sự thật và vẫn luôn ở đó. Việc bạn cần làm là hãy tập quen dần với chúng đi”.

Không phải khi không mà đất nước Nhật Bản luôn khiến bạn bè thế giới ngưỡng mộ. Ngoài kinh tế, trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến, văn hóa xứ sở mặt trời mọc cũng chứa đựng muôn vàn những điều hay ho, đáng học hỏi. Một trong số đó phải kể đến triết lý sống Wabi sabi, chấp nhận trên đời này không có gì là hoàn hảo và nhìn thấy vẻ đẹp trong tất cả các khiếm khuyết.
Triết lý Wabi sabi của người Nhật: Cuộc đời không gì hoàn hảo nên đừng cố tìm, hạnh phúc là khi con người chấp nhận sống với khiếm khuyết - Ảnh 1.
Triết lý Wabi sabi của người Nhật: Cuộc đời không gì hoàn hảo nên đừng cố tìm, hạnh phúc là khi con người chấp nhận sống với khiếm khuyết - Ảnh 2.

Vào mùa thu ở Kyoto của nhiều thế kỷ trước, một nghệ nhân pha trà bảo học trò chuẩn bị một buổi trà đạo ngoài sân vườn. Người đệ tử nghe vậy liền nhanh chóng đi quét lá cây, nhặt bỏ những viên đá vương vãi khắp nơi và cắt tỉa mọi thứ trông thật gọn gàng. Lúc này, người thầy của anh mới âm thầm đi kiểm tra. Ông tìm đến một cây lá phong sum suê và ra sức lay nó để lá trên cây rơi xuống khắp nơi. Đây chính là khởi nguồn của triết lý sống Wabi sabi, khi mà con người không thể thao túng được vẻ đẹp thiên nhiên cũng như những quy luật cuộc sống mà việc họ có thể làm là chấp nhận và tìm thấy tinh hoa trong sự khiếm khuyết. Và người thầy trong câu chuyện không ai khác chính là Rikyu – cha đẻ của bộ môn trà đạo ở Nhật Bản.

Triết lý Wabi sabi của người Nhật: Cuộc đời không gì hoàn hảo nên đừng cố tìm, hạnh phúc là khi con người chấp nhận sống với khiếm khuyết - Ảnh 3.

Nói về Wabi sabi, triết lý sống này bắt nguồn từ học thuyết Zen (Thiền) trong đạo Phật Nhật Bản. Học thuyết này quan niệm từ ngữ đôi khi lại ngăn cản sự giác ngộ của con người nhưng có thể hiểu đơn giản, rằng Wabi sabi là tập trung tìm kiếm những điều không hoàn hảo, khiếm khuyết trong cuộc sống để từ đó chấp nhận và có được cuộc đời an yên.

Theo giải thích của Richard Powell, tác giả cuốn “Wabi sabi Simple”, Wabi sabi là chấp nhận cuộc sống là không hoàn thiện, không vĩnh viễn và không hoàn tất, để rồi đi sâu vào những điều chưa hoàn hảo của hiện thực để rồi trân trọng chúng hơn.

Wabi sabi khó giải thích về mặt ngôn ngữ nhưng nó lại len lỏi trong cuộc sống của người Nhật nói riêng và tất cả mọi người nói chung. Triết lý này thật ra vô cùng đơn giản và dễ hiểu nếu như chúng ta biết đơn giản hóa tất cả mọi vấn đề trong cuộc sống.

Triết lý Wabi sabi của người Nhật: Cuộc đời không gì hoàn hảo nên đừng cố tìm, hạnh phúc là khi con người chấp nhận sống với khiếm khuyết - Ảnh 4.
Triết lý Wabi sabi của người Nhật: Cuộc đời không gì hoàn hảo nên đừng cố tìm, hạnh phúc là khi con người chấp nhận sống với khiếm khuyết - Ảnh 5.

Wabi sabi trong mối quan hệ xã hội

Mỗi samurai khi bước vào phòng trà cũng đều tự giác cởi bỏ thanh kiếm, vũ khí và cũng là niềm tự hào của họ, ở bên ngoài. Hành động này thể hiện rõ triết lý Wabi sabi rằng chúng ta nên chấp nhận không ai là hoàn hảo và nên đối mặt với những khiếm khuyết của người đối diện thay vì cứ đứng bên lề đời họ mà chỉ trích họ.

Triết lý Wabi sabi của người Nhật: Cuộc đời không gì hoàn hảo nên đừng cố tìm, hạnh phúc là khi con người chấp nhận sống với khiếm khuyết - Ảnh 6.

Cuộc đời không tránh khỏi tổn thương, vấp ngã và thất bại nhưng nếu không có những “gia vị” độc đáo ấy thì con người có lẽ sẽ không khao khát được sống đến vậy bởi khi đó cuộc đời họ sẽ chỉ là 1 đường thẳng nhàm chán, không rõ đang tận hưởng cuộc sống hay chỉ tồn tại như cái xác không hồn. Và cũng đừng xem thường sự không hoàn hảo bởi đằng sau nó luôn là những câu chuyện, kỷ niệm đẹp và đáng nhớ nhất đời người.

Đau khổ từ một cuộc tình tan vỡ chính là trao cho chúng ta cơ hội tìm được một nửa đích thực của đời mình. Thất bại hôm nay là thành công của ngày mai. Nếp nhăn hay dấu chân chim có thể không đẹp về mặt thẩm mỹ nhưng chúng nhắc nhở rằng chúng ta đã từng cười giòn giã thế nào, từng khóc cạn nước mắt ra sao… tất cả những khiếm khuyết đều có nguyên nhân của nó và con người nếu không biết chấp nhận sẽ mãi sống trong những ảo tưởng về một cuộc sống hoàn hảo chỉ có trong sách vở.

Wabi sabi trong nghệ thuật nấu ăn

Wabi sabi quan niệm thức ăn của con người nên thiên về tự nhiên và không quá cầu kỳ. Nó được làm ra từ niềm vui và sự sáng tạo của con người, không phải là 1 bài thi cần phải hoàn thành. Khi nấu ăn, chúng ta không cần thiết nhất định phải tuân theo công thức nhất định mà có thể thay thế thành phần hay cách nêm nếp cho phù hợp với bản thân và gia đình. Đừng ăn chỉ để nếm mùi vị mà bỏ qua “âm thanh” của món ăn, mùi hương và cảm giác nó mang đến khi đi vào miệng của con người.

Wabi sabi trong thiết kế nội thất

Triết lý Wabi sabi của người Nhật: Cuộc đời không gì hoàn hảo nên đừng cố tìm, hạnh phúc là khi con người chấp nhận sống với khiếm khuyết - Ảnh 7.

Một ngôi nhà đúng chuẩn phong cách Wabi sabi không cần hoàn hảo không một vết xước. Chiếc tủ mà bạn yêu thích hoàn toàn có thể bị mất đi cái nắm cửa, điều này chứng tỏ chúng ta sử dụng nó rất nhiều lần, tận dụng hết giá trị của món đồ.

Màu sắc chủ đạo trong thiết kế nội thất của Wabi sabi là xanh lá, xám và tông màu đất, giúp mang đến cảm giác hài hòa, yên bình. Đồ vật trong nhà không cần quá đẹp nhưng phải thực sự hữu ích.

Wabi sabi trong vẻ đẹp con người

Chúng ta thường có xu hướng tôn sùng thời thanh xuân nhưng thời gian trôi qua, ai cũng phải già đi. Trong triết lý Wabi sabi, thứ kiên định nhất trên đời này chính là sự thay đổi, nó không vì bất cứ ai hay bất cứ điều gì mà dừng lại. Việc con người có thể làm được là trân trọng quá trình trưởng thành của bản thân từng ngày, đừng cố gắng chỉ để níu giữ tuổi trẻ và cho rằng nó là phần quan trọng nhất của cuộc sống.

Triết lý Wabi sabi của người Nhật: Cuộc đời không gì hoàn hảo nên đừng cố tìm, hạnh phúc là khi con người chấp nhận sống với khiếm khuyết - Ảnh 8.

Đối với các bậc thầy trà đạo của Nhật thì ấm trà và tách trà không khác gì châu báu nhưng họ vẫn trân trọng mỗi khi chúng bị sứt mẻ, đến nỗi dùng vàng để hàn gắn chúng trong nghệ thuật Kintsugi. Từ đó, món đồ tưởng chừng như phải vứt đi giờ lại hồi sinh mạnh mẽ, hệt như loài phượng hoàng vực dậy từ đống tro tàn. Tương tự như vậy, chúng ta lúc nào cũng phải yêu thương bản thân mình nhưng không vì vậy mà chối bỏ khiếm khuyết, nhất thiết phải ép buộc bản thân luôn hoàn hảo mà đi ngược lại quy luật cuộc sống.

Wabi sabi trong tủ đồ

Đừng bao giờ đánh giá thấp một bộ quần áo cũ kỹ hay chiếc túi xách sờn rách bởi chúng chứa đựng rất nhiều kỷ niệm của con người. Còn nhớ cô gái ấy đã xách chiếc túi ấy đi trên đôi giày cao gót kiêu hãnh đến buổi hẹn hò đầu tiên với người đàn ông nay đã trở thành chồng mình, hay chiếc áo sơ mi sờn vai ấy đã giúp chàng trai “ghi điểm” với nhà tuyển dụng trước khi trở thành một nhân viên cốt cán của công ty như hiện tại.

Triết lý Wabi sabi của người Nhật: Cuộc đời không gì hoàn hảo nên đừng cố tìm, hạnh phúc là khi con người chấp nhận sống với khiếm khuyết - Ảnh 9.

Lấy 1 câu nói của tác giả cuốn Wabi Sabi, Leonard Koren để nói về triết lý sống này để kết lại bài viết này: “Hãy quên đi những thức hoàn mỹ mà bạn thường mơ tưởng, một chiếc mình đẹp nhất cũng có vết nứt để ánh sáng có thể lọt vào. Wabi sabi không ép mọi người phải chấp nhận hay sống chung với những khiếm khuyết mà triết lý này nói về mọi thứ không hoàn thiện, chúng là sự thật và vẫn luôn ở đó. Việc bạn cần làm là hãy tập quen dần với chúng đi”.

Triết lý Wabi sabi của người Nhật: Cuộc đời không gì hoàn hảo nên đừng cố tìm, hạnh phúc là khi con người chấp nhận sống với khiếm khuyết - Ảnh 10.
Cafef.vn – Theo Imacho

Những câu nói của cha mẹ khiến trẻ tổn thương

Trang Brightside chỉ ra 12 câu nói phổ biến, tưởng chừng không gây hại, nhưng lại tác động tiêu cực tới con mà phụ huynh nên tránh.

1. “Bố/mẹ rất tự hào về con”

Câu nói này có vẻ hoàn toàn vô tội, nhưng đối với trẻ đây là lời khen không có nhiều giá trị. Chúng sẽ ngay lập tức quên đi hành động khiến bạn tự hào. Thay vào đó, bạn hãy khen ngợi những điều cụ thể, liên quan trực tiếp tới trẻ để khuyến khích và cho thấy chúng đang làm rất tốt.

Câu nói thay thế: “Con hẳn phải rất tự hào về công việc của mình”, “Con đã hoàn thành công việc thật xuất sắc”.

Đồ họa: Brightside

Đồ họa: Brightside

2. “Hãy đợi đến khi bố/mẹ về nhà”

Khi con mắc lỗi nhưng bạn không thể nói chuyện trực tiếp với chúng, có phải bạn thường trì hoãn bằng “Đợi bố/mẹ về nhà rồi chúng ta sẽ nói chuyện”. Hậu quả là đứa trẻ sẽ quên những gì xảy ra và giảm uy quyền của chính bạn trong mắt con cái. Cha mẹ nên cố gắng giải quyết vấn đề ngay lập tức và thay vì mắng mỏ hãy giải thích vì sao bạn khó chịu với hành vi sai trái của con.

Câu nói thay thế: “Con không được lặp lại hành động đó một lần nữa. Nó làm bố/mẹ cảm thấy khó chịu vì…”.

3. “Ngày hôm nay của con thế nào?”

Câu hỏi này không có tính xây dựng. Con bạn có thể trả lời đơn giản “Tốt ạ” hoặc “Không tốt ạ”, và câu chuyện chấm dứt. Có thể bạn sẽ tiếp tục hỏi sâu hơn nhưng cách mào đầu như vậy làm câu chuyện trở nên kém hấp dẫn. Nếu bạn thực sự quan tâm một ngày của trẻ, hãy hỏi những câu cụ thể, đi sâu vào chi tiết để khuyến khích những câu trả lời dài, chi tiết.

Câu nói thay thế: “Điều vui nhất/điều đặc biệt nhất mà hôm nay con đã làm là gì?”.

4. “Con sẽ không được ăn món tráng miệng nếu chưa ăn xong cơm”

Với câu nói này, bạn vô tình kích thích trẻ thèm muốn món tráng miệng và làm giảm sự hấp dẫn của món chính. Hãy thử thay đổi thứ tự thực đơn một chút để khuyến khích trẻ lưu tâm vào món chính.

Câu nói thay thế: “Trước tiên chúng ta sẽ ăn súp, sau đó chúng ta sẽ ăn món tráng miệng”.

5. “Nhanh lên”

Khi thúc đẩy trẻ làm mọi việc nhanh hơn, bạn sẽ làm tăng sự căng thẳng và khiến chúng sợ rằng bị trễ hoặc bỏ lỡ điều gì đó. Hãy thay đổi cách nói để con bạn cảm thấy rằng cả hai là một đội.

Câu nói thay thế: “Hãy xem ai là người đi giày trước nào”.

6. “Hãy để bố/mẹ làm việc”

Nếu bạn gạt con ra khỏi cuộc sống thường ngày, chúng sẽ nghĩ rằng bạn luôn bận rộn, không được phép làm phiền vì bất cứ vấn đề gì. Khi không nhận được đầy đủ sự quan tâm thời thơ ấu, trẻ sẽ ít chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ cùng cha mẹ khi lớn lên. Nếu bạn không thể quan tâm con ngay lập tức, hãy kiên nhẫn yêu cầu chúng cho bạn một vài phút để hoàn thành những việc đang làm.

Câu nói thay thế: “Xin hãy cho bố/mẹ một vài phút để hoàn thành việc này, rồi chúng ta sẽ cùng trò chuyện được chứ?”.

7. “Bố/mẹ xấu hổ vì con”

Con bạn có thể vẫn còn quá nhỏ để hiểu sự xấu hổ thực sự là gì. Cụm từ này không khiến chúng biết rõ lý do tại sao điều chúng làm là sai. Hơn nữa, một nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc xấu hổ có thể khiến trẻ em trở nên hung dữ hơn. Hãy cố gắng giải thích cho con bạn những gì sai và tránh lặp lại trong tương lai.

Câu nói thay thế: “Hành động của con khiến bố/mẹ khó chịu vì…”.

8. “Con đừng khóc nữa”

Khóc là hành động hoàn toàn bình thường, ngay cả việc khóc vì những điều nhỏ nhặt nhất. Với câu nói này, bạn đang hạ thấp cảm xúc của con, khiến chúng nghĩ rằng cảm xúc của mình không quan trọng, hành động của mình là vô nghĩa. Thay vào đó, bạn hãy thể hiện sự quan tâm và muốn chia sẻ cảm xúc với con.

Câu nói thay thế: “Chuyện gì đã xảy ra?” hoặc “Sao con lại buồn như vậy?”.

Đồ họa: Brightside

Đồ họa: Brightside

9. “Có gì đâu mà con phải sợ”

Câu nói này hoàn toàn không thể an ủi cảm xúc sợ hãi của trẻ. Và một lần nữa, nó thể hiện bạn đang đánh giá thấp cảm xúc của con, khiến chúng nghĩ bản thân kém cỏi. Thay vào đó, hãy chia sẻ cảm xúc cùng con bạn, cho thấy bạn luôn ở bên cạnh chúng.

Câu nói thay thế: “Bố/mẹ thấy con đang sợ, đừng lo, có bố/mẹ ở đây với con”.

10. “Vì bố/mẹ đã nói rồi”

Khi con bạn hỏi lại một điều bạn từng nói, đừng lặp lại câu nói trên. Nó không nhắc đứa trẻ nhớ lại bạn từng nói gì mà khiến chúng nghĩ rằng mình không được phép làm bất cứ điều gì. Hãy đưa ra hướng dẫn đơn giản và giải thích ngắn gọn về lý do con không được phép.

Câu nói thay thế: “Vì đây là lúc con phải… “.

11. “Bố/mẹ có thể làm điều đó khi bằng tuổi con”

Tất cả trẻ em phát triển khác nhau và so sánh con bạn với những người khác không phải là ý tưởng tốt. Thay vào đó, hãy cố gắng dạy con cách tự thực hiện điều đó bằng khả năng của mình.

Câu nói thay thế: “Để bố/mẹ hướng dẫn con cách làm”.

Đồ họa: Brightside

Đồ họa: Brightside

12. “Bố/ mẹ rất thất vọng về con”

Câu nói này có thể khiến trẻ cảm thấy không đáp ứng được yêu cầu của bố mẹ và khiến chúng tự thất vọng, xấu hổ về bản thân. Nguyên tắc dạy con là hạn chế sử dụng cụm từ tiêu cực “thất vọng”, thay vào đó hãy giải thích hành động của con khiến bạn thấy như thế nào.

Câu nói thay thế: “Hành động của con làm bố/ mẹ buồn vì…”.

Vnexppress – Tú Anh (Theo Brightside)

Nhận biết vấn đề tâm lý thông qua hành vi của trẻ

Để biết trẻ đang gặp vấn đề tâm lý hay không, bạn cần phân biệt những hành vi bình thường và bất thường, tùy thuộc vào lứa tuổi của trẻ.

Trang Verywell Family đưa ra lời khuyên về hành vi của trẻ bạn nên chú ý.

Những hành vi bình thường

Trẻ 4-5 tuổi

Trẻ mẫu giáo tranh luận và muốn bố mẹ giao việc cho mình tự làm để tìm kiếm sự độc lập. Trẻ 4-5 tuổi sẽ kiểm soát tần suất và mức độ các cơn giận dữ ít hơn so với thời điểm chập chững biết đi. Ngoài ra, trẻ có thể thực hiện một số hành vi gây hấn nhỏ nhưng ít khi giải quyết mọi việc bằng bạo lực.

Đới với lứa tuổi thích gây sự chú ý và chiều chuộng từ người lớn, việc bạn “lờ” đi là hình phạt tốt nhất khi trẻ mắc lỗi.

Trẻ 6-9 tuổi

Khi bắt đầu đi học, trẻ bị ràng buộc bởi nhiều quy định hơn nên cũng muốn tự do hơn. Thay vì được theo sát và kèm cặp như trước, trẻ ở giai đoạn này muốn người lớn đưa ra lời hướng dẫn ngay từ đầu và cho trẻ một khoảng không đủ rộng để “vùng vẫy”. Ví dụ khi đi học về, bạn hãy cho trẻ một tiếng để tắm giặt, soạn sách và xuống ăn cơm. Nếu chỉ tắm trong 15 phút, thời gian còn lại trẻ có thể đọc sách hoặc xem tivi theo ý thích.

Giai đoạn này, trẻ cũng muốn tự mình giải quyết các vấn đề, nhưng sẽ tìm bố mẹ khi gặp khó khăn trong việc xử lý hậu quả và loại bỏ các cảm xúc tiêu cực. Việc thưởng phạt vẫn được trẻ coi trọng nên phụ huynh vẫn nên áp dụng việc này để loại bỏ những hành vi không tốt của trẻ.

Ảnh: Slice Design

Ảnh: Slice Design

Trẻ 10-12 tuổi

Sự khao khát tự do ở trẻ lứa tuổi 10-12 thường gây ra những hành động chống đối bố mẹ. Giai đoạn này, trẻ thường xảy ra sự bất đồng với bạn bè, thường thiếu khả năng nhận ra hậu quả lâu dài về hành vi của mình.

Đây là lúc phụ huynh cần dạy con nhiều kỹ năng sinh tồn và cách ứng xử xã hội hơn. Cùng với đó, hãy tạo cho con nhiều cơ hội được trải nghiệm từ sai lầm của chính mình.

Thanh thiếu niên từ 13 tuổi trở lên

Đây là khoảng thời gian con bạn có nhiều thay đổi nhất, cả về tâm lý và ngoại hình. Con bạn có thể bắt đầu lựa chọn một phong cách thời trang hay một kiểu tóc với chút nổi loạn. Thanh thiếu niên ở tuổi này thường có suy nghĩ mình đã lớn và không cần sự giúp đỡ từ bố mẹ, việc đưa ra điều kiện và phần thưởng cũng không còn quan trọng với con như trước.

Ngoài ra, lứa tuổi từ 13 trở lên có xu hướng muốn tự quyết định và giải quyết mọi việc, kể cả những hậu quả nghiêm trọng. Phụ huynh cần luôn theo sát con để can thiệp kịp thời và giúp trẻ đưa ra quyết định tốt nhất.

Những hành vi bất thường

– Trẻ thường xuyên giận dữ và khó kiềm chế các cảm xúc mạnh như gào khóc hoặc cười lớn không dứt.

– Cố tình mắc đi mắc lại một lỗi và không còn nghe theo các biện pháp kỷ luật của bố mẹ.

– Liên tục có hành vi tiêu cực ở trường như đánh nhau, trêu ghẹo, nói hỗn với giáo viên, không chịu làm bài tập về nhà trong thời gian dài…

– Tự gây thương tích hoặc có xu hướng nói chuyện về việc tự tử.

– Có các hành vi tình dục không phù hợp với sự phát triển (chẳng hạn đứa trẻ 12 tuổi thích đi bộ trần truồng trong nhà), thích xem nội dung đồi trụy, thích kéo quần áo của những đứa trẻ khác xuống…

Nếu nghi ngờ các hành vi của con không chỉ đơn thuần là việc quậy phá, phụ huynh nên nói chuyện với bác sĩ chuyên khoa tâm lý trước. Sau khi thảo luận, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ để kiểm tra và có cách giải quyết sớm nhất.

Vnexpress – Thanh Hằng (Theo Verywell Family)

Lựa chọn đồ chơi phù hợp với trẻ

Trẻ từ 9 tháng đến 3 tuổi nên được làm quen với hình khối, các bé lớn hơn có thể chơi với thùng carton, đồ văn phòng phẩm hoặc giải câu đố.

Trang Raising Children đưa một số tiêu chí và lời khuyên cho phụ huynh khi lựa chọn đồ chơi cho trẻ.

Tiêu chí chung

Một món đồ chơi tốt sẽ có khả năng khơi gợi trí tưởng tượng và óc sáng tạo ở trẻ hoặc sử dụng được trong nhiều hoạt động.

– Các hình khối: Có thể hôm nay, con bạn sử dụng các hình khối để xếp một tòa tháp và hôm sau đưa lên tai nói chuyện, giả vờ là một chiếc điện thoại.

– Những quả bóng: Đây là loại đồ chơi sử dụng được trong rất nhiều môn thể thao và các hoạt động khác nhau như lăn, ném, đá…

– Hộp carton: Con bạn có thể giả vờ đây là nhà, quầy bán hàng, lò nướng, xe hơi, thuyền… và trang trí theo cách chúng muốn.

– Giấy màu, bút chì, các mảnh vải vụn: Trẻ có thể tạo ra một “kiệt tác” hoặc bất cứ thứ gì nghĩ ra trong đầu từ các đồ chơi này.

Không phải lúc nào bạn cũng phải mua đồ chơi mới cho con. Phụ huynh có thể tận dụng các món đồ cũ trong nhà, miễn là không gây nguy hiểm hay có các cạnh sắc, nhọn để trẻ sử dụng làm đồ chơi.

Ảnh: Emptoto

Ảnh: Emptoto

Lựa chọn đồ chơi theo cho trẻ độ tuổi

Nhiều sản phẩm đồ chơi có ghi độ tuổi phù hợp trên bao bì, tuy nhiên điều này chỉ mang tính chất tham khảo bởi phụ huynh là người hiểu con mình phù hợp với loại đồ chơi nào nhất.

Đối với trẻ dưới 9 tháng

“Đồ chơi” tốt nhất cho trẻ trong giai đoạn này chính là các thành viên trong gia đình. Thay vì cho em bé nhìn vào màn hình TV và điện thoại, hãy tích cực nói chuyện, chơi đùa cùng trẻ. Bé sẽ thích thú khi được nhìn thấy những gương mặt thân quen, lắng nghe giọng nói của bạn, hoặc đơn giản là ở bên bạn.

Đối với trẻ từ 9 tháng đến 3 tuổi

Trong độ tuổi này, trẻ nên được làm quen với các hình khối và chất liệu (như các loại vải). Ngoài ra, con bạn có thể hứng thú với các món đồ chơi mô phỏng nhạc cụ, có thể phát ra âm thanh khi lắc. Các món đồ chơi dạng lắp ghép từ các hình khối gỗ cũng được trẻ từ 9 tháng đến 3 tuổi ưa thích.

Từ 3 đến 7 tuổi

Nếu con bạn tỏ ra thích thú với việc lắp ghép, thay vì những hình khối gỗ lớn, bạn có thể bắt đầu mua lego (các chi tiết xếp hình nhỏ hơn) cho trẻ làm quen. Đây cũng là độ tuổi trẻ có nhiều sáng tạo và ý tưởng, phụ huynh có thể cho trẻ tiếp xúc với thùng carton và các đồ dùng văn phòng phẩm. Với những trẻ yêu thích đồ chơi trí tuệ, bố mẹ nên mua sách giải đố cho con luyện tập.

Giá trị của đồ chơi

Thông qua việc tìm hiểu và lựa chọn đồ chơi phù hợp với trẻ, phụ huynh cũng sẽ hiểu tính cách và khả năng của con mình nhiều hơn. Nếu có bất đồng trong việc lựa chọn đồ chơi, bạn hãy giải thích cho con lý do, hoặc nói về mối nguy hiểm mà món đồ có thể mang đến.

Ví dụ trẻ muốn một món đồ chơi bằng nhựa mới, nhưng để bảo vệ môi trường, bạn có thể giúp trẻ làm đồ chơi từ những vật liệu tái chế và giải thích cho con về tác hại khi dùng đồ nhựa. Nếu con bạn muốn có một chiếc máy tính bảng hoặc máy chơi game, bạn nên dành nhiều thời gian hơn để đưa con ra tham gia các hoạt động ngoài trời.

Vnexpress – Thanh Hằng (Theo Rasing Children)

Con biến dạng tâm lý vì bị trách mắng nhiều

Con trai lớp 5 chỉ giải được toán lớp 2, cặp vợ chồng Hà Nội bất ngờ khi biết chỉ số thông minh IQ của con là 110, không thấp.

Cầm đề bài Toán cô giáo đưa, chưa đọc, Minh đã đẩy lại, bảo không làm được. Vẻ mặt thờ ơ, cậu nói: “con không biết gì đâu”. Thi thử vào lớp 6, cả Toán và Tiếng Việt của Minh chỉ đạt 0,5 điểm, bị đánh giá ngang học sinh lớp 2.

Bố mẹ Minh hoảng hốt, đưa con đi kiểm tra trí thông minh, vì 4 năm đầu cấp bé học tốt. Bất ngờ là IQ của Minh 110, thuộc mức khá, trí nhớ cũng ổn.

Chia sẻ với chuyên gia tâm lý, Minh luôn tự nhận mình dốt vì “bố mẹ con bảo thế”. Bố mẹ cậu làm kinh doanh luôn luôn đòi hỏi các con, nhất là Minh, cậu con trai duy nhất, phải thật hoàn hảo. Khi cậu xếp bát đũa lộn xộn, họ lập tức quát “sao con dốt thế”. Ông bà cậu bé cũng thường xuyên “đổ dầu vào lửa”: “Sao chị với em con thông minh mà con lại dốt”.

Tuấn, một học sinh cấp hai cũng ở Hà Nội, được bố tặng chiếc xe đạp màu đỏ. Ngày đầu tiên dùng xe, cậu dắt về trong tình trạng xì lốp. Bố hỏi tại sao, Tuấn bảo do bạn bè chọc đinh. Ngày hôm sau, tình huống trên lặp lại. Bố Tuấn đưa con đến bác sĩ tâm lý mong con đỡ nhát, đỡ bị bắt nạt.

Nghe chuyện, chuyên gia kết luận Tuấn chịu để bạn bè bắt nạt vì ở nhà luôn sống trong sự ức hiếp của bố. Cậu bị chê bai “yếu đuối”, “ẻo lả”, “không đáng mặt đàn ông”, chẳng bao giờ được quyền quyết định thứ gì nên dần buông xuôi, không buồn phản kháng. Ngay cả chiếc xe đạp màu đỏ cũng là do bố Tuấn tự mua, ép con thích.

Ảnh: Asian Scientist Magazine.

Ảnh: Asian Scientist Magazine.

Ngọc, 26 tuổi, từng là niềm tự hào trong một gia đình giáo viên ở thành phố Nam Định. Đạt học sinh giỏi 12 năm liền, cô đặt mục tiêu vào Đại học Sư phạm Hà Nội theo nguyện vọng của bố mẹ.

Năm lớp 12, Ngọc có người yêu hơn 10 tuổi. Bố Ngọc rủa con là “đồ lăng loàn”, “làm gái”. Cô chia tay bạn trai. Lên đại học, cô lén cặp kè với những người đàn ông lớn tuổi, đi bar và tìm đến rượu bia, thậm chí lên mạng tìm “tình một đêm”. Lý giải cho hành động này, Ngọc bình thản nói “bố muốn tôi hư hỏng thì tôi hư hỏng”.

Hai năm điều trị tâm lý vẫn không xóa mờ được tổn thương trong tâm hồn Ngọc. Cô không trở lại làm “con ngoan” được nữa.

Chúng ta có xu hướng hành động theo mong đợi của người khác. Ví dụ, bạn vụng hơn khi ai cũng nghĩ bạn vụng, bạn nói nhiều hơn khi đồng nghiệp đánh giá bạn thú vị. Tương tự, đứa trẻ có nguy cơ trở nên xấu tính nếu bị gia đình nhận xét là xấu tính. Lời kết tội nặng nề xuất phát từ bố mẹ, những người lớn thân thiết nhất, khiến trẻ tin rằng mình thực sự là như vậy.

Sử dụng những từ ngữ gây tổn thương để quát mắng là một dạng ngược đãi về mặt cảm xúc, thể hiện sự kiểm soát. Tiến sĩ Ngô Thanh Huệ, Viện Tâm lý và Tâm thần học Việt – Pháp nhận định ở Việt Nam, bố mẹ hay mang tâm lý con mình đẻ ra thì thuộc quyền sở hữu của mình, phải nghe mình tuyệt đối. Nếu đứa trẻ làm trái ý, họ có thể lập tức kết tội đứa trẻ là “ngu dốt”, “hư hỏng”, “ăn hại”.

Ngược đãi cảm xúc đôi khi nguy hiểm hơn ngược đãi thể chất. Sự kiểm soát độc hại của bố mẹ khiến trẻ không thoát ra được, mất khả năng bảo vệ bản thân, bất lực trước mọi tình huống.

Nghiên cứu năm 2012 của Tiến sĩ Martin H. Teicher từ đại học Harvard chứng minh trẻ hay bị ngược đãi cảm xúc lớn lên có nguy cơ trầm cảm cao. Một số trường hợp có hành vi chống đối xã hội, khó khăn học tập, thậm chí tự tử.

Đặc biệt, đứa trẻ bị ngược đãi sau này thành bố mẹ có thể tiếp tục ngược đãi con. Có người 20-30 năm sau quay lại dằn vặt bố mẹ bằng chính những lời cay độc họ từng nghe hồi nhỏ.

Trong tất cả ví dụ trên, bố mẹ có điểm chung là không lắng nghe, nói chuyện với con. Thấy con không như mong đợi, họ lập tức tấn công, buộc tội con.

Phó giáo sư Tiến sĩ Trần Thu Hương, Khoa Tâm lý, Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn, kể, bà nhận được phàn nàn của nhiều phụ huynh: “Tôi đã làm hết mọi thứ cho con mà sao nó vẫn hư?”. Đến khi được hỏi “Anh chị mỗi ngày dành ra bao nhiêu thời gian nói chuyện với con?” thì họ im lặng.

Thứ đứa trẻ khao khát, nhiều lúc chẳng phải vật chất, mà chỉ là một người sẵn sàng ở bên, chân thành lắng nghe và chỉ dạy.

Theo Vnexpress – Minh Trang

9 thói quen tưởng xấu nhưng lại tốt của trẻ nhỏ

Trẻ xé giấy khắp nhà khiến bố mẹ dọn mải, thực chất bé đang tư duy, vì đôi tay là ‘bộ não thứ 2 của trẻ’.

Trẻ qua từng giai đoạn phát triển thường có những hành vi khiến cha mẹ khó chịu, như ném đồ, cắn xé… Nhiều phụ huynh thậm chí tìm cách trừng phạt. Thực tế, những hành động đó không tệ như chúng ta nghĩ, chúng chỉ là biểu hiện tự nhiên của sự phát triển mà thôi, bao gồm:

1. Trẻ hay ném đồ đạc

Nhiều đứa trẻ thích ném đồ chơi, điều khiển từ xa, đồng hồ báo thức… Chỉ trong vài phút, căn phòng ngăn nắp trở nên lộn xộn. Bố mẹ vô cùng tức giận, bé tỉnh bơ vì không hề biết là việc xấu.

Trên thực tế, ném đồ là một hoạt động khám phá của đứa trẻ, chúng bị cuốn hút bởi chuyển động của những vật bị ném. Nếu món đồ bị vỡ hoặc phát ra âm thanh hay lăn lông lốc, trẻ càng bị kích thích, trở nên tò mò và ra sức ném các đồ vật khác để mở rộng sự khám phá của mình.

Điểm tích cực ở hành động này là trẻ sẽ nhận thức được mối liên hệ giữa mình và không gian xung quanh, bằng cách ném, di chuyển đồ vật.

Giải pháp của bố mẹ: Thay vì cấm đoán, bạn có thể cất những thứ dễ vỡ, nguy hiểm lên trên cao, rồi chủ động chuẩn bị một chiếc hộp với những quả bóng, đồ chơi… và cùng chơi với con. Thi xem ai ném chính xác hơn. Sau khi bạn đáp ứng nhu cầu ném đồ, trẻ sẽ dần bỏ thói quen ném các thứ khác.

2. Trẻ thích xé giấy

Không cha mẹ nào thích con xé giấy vụn ra nhà. Nhưng thực tế, đây là việc giúp trẻ cử động tốt đôi tay. Bé thường rất ngạc nhiên khi thấy tay cử động theo các hướng khác nhau thì tờ giấy sẽ bị xé thành những hình thù khác biệt.

Xé giấy giúp trẻ tư duy tốt hơn. Ảnh: Inner Child Fun.

Xé giấy giúp trẻ tư duy tốt hơn. Ảnh: Inner Child Fun.

Các nhà tâm lý học tin rằng bàn tay là bộ não thứ hai của trẻ, tức là trẻ vận động đôi tay cũng đồng nghĩa với tư duy. Ngăn con hoạt động cũng đồng nghĩa với việc ngăn con suy nghĩ.

Giải pháp của bố mẹ: Bạn có thể đưa con những loại giấy sạch sẽ, không vướng mực, chì (như giấy báo) … để xé các hình thù khác nhau, giúp phát triển tư duy sáng tạo.

3. Trẻ thích đi chân đất

Các bà mẹ luôn cho rằng đất bẩn và ép con phải mang giày, đi tất. Nhưng bạn nhắc nhở thế nào, bé vẫn thích đi chân trần và chạy nhảy khắp nơi.

Một nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng trẻ em đi chân trần có thể giúp kích thích các dây thần kinh ở lòng bàn chân, giúp trẻ cảm nhận rõ mặt đất và điều chỉnh tốc độ theo trạng thái mặt đất, nhờ thế tư thế đi bộ đúng hơn. Trong khi đó, các nhà thiết kế tin rằng lòng bàn chân trẻ 0 – 10 tuổi vẫn chưa định hình, tốt nhất là đi chân trần, đi giày chỉ có tác dụng cho những điều kiện thời tiết khắc nghiệt và tránh gây tổn thương chân.

Giải pháp của bố mẹ: Khi thời tiết không quá khắc nghiệt, nên cho con đi chân trần nhiều hơn. Cũng có thể cho con đi tất chống trơn mỏng.

4. Trẻ bốc đồ ăn bằng tay

Việc cho trẻ ăn uống là “cơn ác mộng” với nhiều bà mẹ vì nỗi lo mất vệ sinh. Tuy nhiên, đừng dẹp “thói quen xấu” này của bé, nhất là khi bé ở độ tuổi 1-3. Đây là giai đoạn quan trọng để bé học cách ăn độc lập. Khi bốc tay cho đồ ăn vào miệng, trẻ gia tăng hứng thú ăn uống, đồng thời rèn luyện khả năng phối hợp tay và mắt, làm tăng sự tự tin và ý thức hoàn thành việc ăn.

Giải pháp của bố mẹ: Nên cho trẻ ngồi ghế ăn riêng, cung cấp cho bé một chiếc bát, thìa, yếm, rửa sạch tay cho con, và rồi để bé tự do khám phá thức ăn.

5. Trẻ không chịu chia sẻ đồ với bất cứ ai

Nhiều bà mẹ than phiền bé luôn nói “Của con” khi được yêu cầu chia sẻ đồ chơi hay bánh kẹo của mình cho bất cứ ai khác, nghĩ rằng con ích kỷ. Nhưng thực ra, đây là những nhận thức đầu tiên của con bạn về quyền sở hữu. Đứa trẻ không ích kỷ, đơn giản là cái tôi của bé đang phát triển.

Trước một tuổi, bé sẽ coi bản thân và mẹ là một cá thể giống nhau. Sau đó, khi dần dần cảm nhận được sự tồn tại của bản thân, bé tự phân biệt mình và người khác bằng cách tự sở hữu những thứ của riêng mình.

Việc buộc trẻ phải chia sẻ sẽ phá hủy ý thức “sở hữu cá nhân” mà trẻ đang hình thành, thậm chí khiến bé có thể hình thành tính dễ dàng đưa đồ của bản thân cho người khác.

Giải pháp của bố mẹ: Không nên lên án hành vi của con hay ép buộc chúng phải chia sẻ. Theo thời gian, dần dần trẻ sẽ hiểu khái niệm chia sẻ, đặc biệt sau giai đoạn 3 tuổi. Khi trẻ dưới 3 tuổi, bạn chỉ cần giúp bé hiểu rằng chia sẻ không có nghĩa là mất đi món đồ, mà món đồ sẽ lại quay trở lại sau khi cho mượn.

6. Trẻ thích vầy nước

Phần lớn trẻ rất thích nghịch nước, bé có thể tự ý mở vòi hoặc nghịch rất lâu trong bồn tắm, hay vặn bình, lắc ly bắn tung tóe… Đối với bố mẹ, trò quậy phá này rất bẩn.

Nước là đồ chơi rất tốt với trẻ nhỏ. Ảnh: littlestepsasia.

Nước là đồ chơi rất tốt với trẻ nhỏ. Ảnh: littlestepsasia.

Thực tế với trẻ, nước là thứ kỳ diệu nhất trong tự nhiên: bé có thể nắm lấy nó bằng tay, rồi nước chảy qua các kẽ tay, đồ chơi có thể nổi lên dưới nước… Trong quá trình tiếp xúc và khám phá với nước, trẻ có thể cảm thấy các nhiệt độ khác nhau, các dạng vật chất khác nhau, giúp kích thích và phát triển các giác quan.

Giải pháp của bố mẹ: Nếu bạn lo con làm ướt hết nhà cửa hoặc ốm vì nước thì nên chủ động ấn định thời gian cho bé chơi, thay vì cấm con tham gia các trò lý thú này.

7. Trẻ vẽ khắp nhà

Phần lớn trẻ thích vẽ, bởi vì đó là phương tiện để bé thể hiện trí tưởng tượng phong phú và khả năng thực hành. Những hình vẽ tưởng chừng nguệch ngoạc, nhưng ẩn sau đó có thể là một chiếc ôtô, một con chim, một lâu đài nhỏ… mà bố mẹ với trí tưởng tượng khác biệt sẽ không hiểu rõ. Do không hiểu quy tắc, bé lấy bất cứ chỗ nào mình thích làm giấy vẽ: tường, sàn nhà… Việc bố mẹ ngăn cấm trẻ vẽ khắp nhà sẽ khiến bé giảm đi tính sáng tạo.

Giải pháp của bố mẹ: Nên mua cho con giấy, bảng để bé được thỏa sức vẽ. Nếu con bạn hay vẽ lên tường, hãy “ưu tiên” con bằng cách đặt một tấm bảng đủ lớn để con được vẽ theo cách chúng thích. Dần dần, con sẽ có ý thức về việc vẽ đúng nơi quy định.

8. Trẻ gắn bó đặc biệt với một thứ gì đó

Xu hướng này xảy ra ở nhiều trẻ: có đứa đặc biệt thích một chiếc khăn nhỏ, một bộ quần áo hình cái thuyền… Có trẻ lại chỉ mê duy nhất một con gấu bông. Khi không tìm thấy, không được đáp ứng, nhiều bé bắt đầu la hét, khóc lóc, dù được đưa những thứ tương tự để thay thế.

Xu hướng gắn liền với đồ vật của trẻ em là một loại hành động nhằm bổ sung cho cảm giác an toàn. Việc cố tình tách trẻ ra khỏi cảm giác thoải mái sẽ gây ra tác hại, ví dụ trẻ ngủ không ngon giấc vào đêm.

Giải pháp của bố mẹ: Hãy tôn trọng sự phụ thuộc này của con, đồng thời tạo cho con cảm giác về sự sẻ chia, cảm giác an toàn. Nhờ thế, dần dần, con sẽ quên cảm giác gắn bó đặc biệt với thứ đồ nào đó.

9. Trẻ gỡ tung các thứ đồ

Khoảng 2 tuổi, trẻ bắt đầu phát triển một kỹ năng mới, đặc biệt là các bé trai. Trẻ thích tháo hết đồ chơi, điều khiển từ xa, vật dụng trong nhà… để xem có gì bên trong.

Sự thật là những trẻ này rất tò mò, có khả năng vận động mạnh. Việc tháo đồ ra để thử lắp lại có thể do bé bắt chước người lớn, nhưng giúp trẻ được khám phá, điều này có lợi cho sự quan sát và khả năng nhận thức của bé.

Giải pháp của bố mẹ: Thay vì để con khám phá những vật dụng gia đình, nên chủ động cung cấp cho bé các đồ chơi có thể tháo lắp như ôtô, lego…

Vnexpress – Thùy Linh (Theo Aboluowang)