Châm ngôn phương Tây có câu: “Hãy ăn sáng như một vị hoàng đế, ăn trưa như một hoàng tử và ăn tối như một kẻ ăn mày” nhấn mạnh vai trò của bữa ăn sáng, cảnh giác với việc ăn uống quá nhiều vào buổi tối không tốt cho sức khỏe.
Nếu như những năm trước đây tình trạng thừa cân, béo phì chưa phổ biến thì ngày nay lớp học nào ở thành phố, thậm chí ở nông thôn cũng có trẻ béo phì. Trẻ béo phì rất sớm và xuất hiện nhiều ở lứa tuổi tiểu học. Trong khi nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam ở lứa tuổi từ 6 - 11 tuổi cần khoảng 1.600 – 2.100Kcalo/trẻ/ngày (tùy theo lứa tuổi, trẻ nam hay nữ mà có sự tăng, giảm) thì dường như chúng ta đang cho trẻ ăn vượt số lượng, không cân đối các chất dinh dưỡng, liều lượng các bữa ăn cũng chưa hợp lý.
BS Đào Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM cho biết, bữa ăn sáng đặc biệt quan trọng. Bộ não chúng ta rất cần chất đường glucose để hoạt động, đòi hỏi phải được cung cấp liên tục từ máu. Đường huyết giảm thì não bị đói sẽ hoạt động kém, gây ra trạng thái thờ ơ, không thể tập trung suy nghĩ, giảm khả năng học tập. Học sinh, sinh viên bụng rỗng đến lớp học sẽ kém tập trung, hay buồn ngủ, học lâu nhớ, mau quên.
Theo tính toán của các chuyên gia dinh dưỡng, năng lượng của bữa sáng nên chiếm từ 1/4 - 1/3 (25 - 30%) tổng năng lượng trong ngày. Nhu cầu năng lượng của từng người phụ thuộc vào tuổi, chiều cao, giới tính và cường độ lao động. Thông thường năng lượng bữa sáng dao động từ 200 - 800kcal tùy trẻ em hay người lớn. Bữa sáng nên có thịt, cá, trứng, đậu đỗ, cung cấp các lọai acid amin cần thiết cho họat động não bộ, tăng tính năng động. Nếu chỉ ăn tinh bột như bánh mì, khoai, cơm dễ gây buồn ngủ. Bữa sáng dù cập rập cũng nên cho trẻ ăn rau hoặc hoa quả để giúp trẻ đủ chất, khỏe khoắn và chống béo phì.
Trẻ đi học cả ngày thì bữa ăn sáng phải được coi là bữa chính với đủ 4 nhóm thực phẩm như tinh bột (cơm, cháo, bún, mỳ…), chất đạm (thịt, cá, tôm, trứng…), chất béo (dầu, mỡ, bơ), nhóm thực phẩm cung cấp vitamin và khoáng chất như rau củ và trái cây.
Hiện nay, nhiều trẻ thừa cân nên cha mẹ hạn chế cho trẻ ăn nhiều, kể cả bữa sáng nhưng theo các chuyên gia dinh dưỡng, nếu muốn trẻ giảm cân thì cũng không nên cho trẻ nhịn ăn sáng vì nếu để trẻ quá đói sẽ làm trẻ ăn nhiều hơn vào bữa trưa và tối, dễ gây tích mỡ. Trẻ béo phì nên chia nhỏ lượng thức ăn để ít gây tăng cân và hạn chế ăn muộn sau 20g. ở bữa phụ là bữa chiều, trẻ có thể được uống sữa tươi không đường hoặc sữa tươi không đường tách béo và giàu canxi. Các bữa ăn khác trong ngày nên hạn chế các món rán, xào, nên cho trẻ ăn các món luộc, hấp và kho. Hạn chế cho trẻ uống các loại nước ngọt có gas và có nhiều đường vì đây là những đồ uống không tốt cho sức khỏe, dễ tạo thói quen thích uống nước ngọt sau này.
Theo Khoa Học & Đời Sống - Khánh Thủy