Nguyệt là học sinh rất năng động, học giỏi và khéo tay, chủ động tham gia các chương trình, hoạt động của trường, lớp. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng em luôn biết vươn lên trong học tập.
Cô LƯƠNG THỊ PHÚC (giáo viên chủ nhiệm lớp 12 Trường THPT Phạm Văn Đồng)
Gọi là nhà nhưng thực chất mái ấm của cả gia đình Nguyệt chỉ được dựng từ vài tấm tôn cũ, vài cành cây khô và 3 - 4 lớp bạt phủ chằng chịt trên mái.
Bao nhiêu tiền đổ hết vào thuốc men
Trở về nhà sau một tháng nhập học, gương mặt của cô tân sinh viên thể hiện rõ sự âu lo. Số tiền sinh hoạt và học phí ít ỏi cả nhà lo cho trước hôm nhập học đã hết. Phần lớn số tiền đã phải chi cho học phí học kỳ I, Nguyệt cố chi tiêu dè sẻn nhưng cũng chỉ được vài hôm.
Mấy tháng nay, mẹ của Nguyệt, bà Phan Thị Thu Vân chỉ quanh quẩn ở nhà. Bà không còn đi nhặt ve chai được như mọi hôm. Cánh tay phải mới bị gãy sau hôm bà chở cu út đi học. Số tiền còn lại không đủ để lo phẫu thuật, nên người mẹ già đành phải đi khám thầy lang.
Bó tới bó lui mấy lượt thuốc nhưng mãi chẳng thấy đỡ, gương mặt bà Vân cũng vì thế mà tái sạm đi vì lo.
"Năm nay được 4 tháng mùa hái rong nho mà cũng bị mất mùa, hai vợ chồng chẳng kiếm được mấy. Tay tôi thì lại thế này, nên tiền lo cho em nó đi học cũng phải đi vay mượn người quen. Sắp tới em nó đi học lại, hai vợ chồng còn chưa biết phải xoay xở tiền như thế nào" - bà Vân ghé tai nói nhỏ với phóng viên.
Ba của Nguyệt, ông Bùi Văn Phăng mắc chứng tâm thần phân liệt. Ông làm bảo vệ trông coi khuôn viên cho một công ty, nhưng vì tinh thần không ổn định nên đi làm "bữa đực bữa cái".
Cứ hễ ông Phăng đi làm về, Nguyệt lại phải lật đật chạy đi lấy thuốc an thần pha với nước C sủi cho ba uống. Nguyệt kể cách đây hơn chục năm, cả nhà khi ấy còn chưa biết ba bị bệnh.
Ông Phăng lên cơn thường xuyên, càng lúc càng hay chửi bới, đập phá đồ đạc trong nhà. Căn nhà hiện tại thậm chí đã là căn nhà thứ 3 của gia đình Nguyệt. Hai căn trước, căn thì bị đập phá, căn thì bị ba Phăng châm lửa thiêu trụi trong những lần lên cơn.
Thấy ông Phăng bệnh nặng quá, cả nhà phải bán mảnh đất cắm dùi duy nhất để chạy chữa. Sau khi 19 triệu đồng tiền bán đất đã cạn, ba mẹ con đành bấm bụng đưa ông về nhà cho uống thuốc an thần qua ngày. Thu nhập hằng ngày kiếm được bao nhiêu đều đổ cả vào tiền thuốc men. Kinh tế gia đình vì thế mà ngày một khó khăn hơn.
Thức trắng đêm trong ánh đèn dầu
Biết gia đình nghèo, ba mẹ lại hay ốm bệnh, Nguyệt từ nhỏ đã biết tự giác học hành. Từ năm 2016 trở về trước, nhà của Nguyệt thậm chí còn chưa có điện kéo về.
Hai chị em Nguyệt đêm nào cũng phải thức trắng học bài trong ánh đèn dầu. Thời gian sau, ba Nguyệt đau đầu, không chịu được mùi đèn dầu, hai chị em đành phải kéo nhau ra một căn miếu nhỏ có đèn thắp le lói để học.
Học đèn miếu đến 8h tối thì hai chị em phải chuyển địa điểm vì chủ miếu tắt đèn đi ngủ. Trụ đèn đường trước nhà từ đó trở thành góc học tập thường xuyên của hai chị em. Có đêm, cậu em mệt mỏi đòi trở về ngủ, nhưng chị Nguyệt khi ấy vẫn quyết tâm ngồi lại học. Thấy con gái miệt mài học đến tận 2h sáng, bà Vân thành ra cũng không dám ngủ mà phải thức theo để coi con học.
Chăm chỉ học nên suốt 12 năm, Nguyệt luôn là học sinh khá giỏi của trường. Ngoài học giỏi, cô bé đặc biệt còn vẽ đẹp và đam mê vẽ. Ngay từ bé, những bức vẽ về các nhân vật truyện tranh hay chân dung bạn bè luôn khiến Nguyệt vẽ quên cả thời gian. Ước mơ về các ngành thiết kế, mỹ thuật cũng được nhen nhóm từ đó.
Vừa qua, khi biết con gái trúng tuyển vào ngành thiết kế đồ họa ĐH Văn Lang, bà Vân chỉ dám mừng một nửa. Bà lo con gái học ở TP.HCM sẽ rất tốn kém, gia đình có thể sẽ không lo được đến khi Nguyệt học xong 4 năm.
Học kỳ 1 chưa bắt đầu, nhưng Nguyệt và mẹ lúc này đã thấy "choáng" trước các khoản đóng góp. Ngồi bên mẹ, cô bé tâm sự: "Mẹ ráng lo cho con tiền học phí, vô Sài Gòn vài tháng con sẽ kiếm được việc làm thêm để lo tiền ăn ở. Học ngành này tốn kém lắm nhưng con sẽ cố. Mẹ phải tin ở con".
Theo Tuổi trẻ online - Đình Cương