Chỉ còn gần 2 tuần nữa, học sinh cả nước sẽ bước vào lễ khai giảng đầu năm học mới. Tuy nhiên, ở Hà Nội thời điểm này, nhiều trường tiểu học đã vào dạy học chính thức. Dễ nhận thấy, nhiều phụ huynh lo sợ, hoang mang khi con bước chân vào lớp 1 nhưng vẫn chưa biết chữ.
Cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1: “Thuốc bổ” hay “thuốc độc”?
“Cuộc chiến” áp lực học từ chính bố mẹ
Chị Đ.T.D có con chuẩn bị vào lớp 1 tại một trường tiểu học ở huyện Hoài Đức, Hà Nội cho biết, bắt đầu từ 2 tháng nay, chị cho cậu con trai theo lớp học chữ do một giáo viên của trường tiểu học tổ chức luyện chữ theo chương trình lớp 1. Theo đó, con chị được cô giáo chỉnh tư thế ngồi, cách cầm viết và được giao bài để về nhà viết.
Tuy nhiên, không khí gia đình căng thẳng hẳn vì từ ngày 10/8 con chị đã bước vào học chính thức. Trước đây học cho vui, giờ học "thật", con chị ngồi vào bàn là la mắng, con khóc, có khi mẹ cũng muốn khóc theo vì phải dạy con hoàn thành bài tập.
“Từ ngày con bước vào năm học tôi thường xuyên phải ngồi học cùng con. Có những chữ con viết xấu, tô đi, viết lại nhiều quá, học hơn 10h tối chưa xong, nên chẳng mấy chốc từ dịu dàng chuyển quay sang quát mắng con. Việc học thực sự là một cuộc chiến”- chị D cho hay.
Chị D thừa nhận, chị là một giáo viên dạy cấp 2, nhưng nhiều lúc dạy con từng nét vẽ, không kiên trì thì đúng là không kiềm chế được chỉ muốn nổi cáu lên thôi.
Chị N.T.Anh, nhà ở quận Cầu Giấy cho biết, trước đây chị thường đi công tác nhưng từ khi con bước vào năm học mới từ 15/8, hai vợ chồng bàn bạc và chia trách nhiệm dạy con.
“Chồng nhận đưa đón con hàng ngày, tối tôi nhận trách nhiệm dạy con. Có hôm đã dặn con để bài đã làm vào cặp nhưng con không nghe, hôm sau cô ghi là không làm bài tập. Những lúc con viết tẩy xóa, rách vở là mẹ lại bị áp lực, so sánh với con người khác”- chị Anh cho biết.
Chị N.T.Mai., ở Hà Nội thấy khá yên tâm về chữ viết, cách tính nhanh của con vì con đã học trước ở mẫu giáo. Tuy nhiên, trong lớp đầy bạn học của con đã biết viết trước, tính nhẩm làu làu khiến vợ chồng chị áp lực.
“Mỗi lần thấy con lơ đãng không tập trung, lại ham chơi không chịu đi học là chị như phát hỏa, cáu bẳn với con. Mẹ quát, con khóc, ầm ĩ cả nhà”- chị Mai cho biết.
Điều gì quan trọng cha mẹ cần trang bị cho con?
Theo TS Vũ Thu Hương, từng là giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, phụ huynh không nên mang tâm lý quá lo lắng cho con khi chưa học chữ trước khi vào lớp 1. Tuy nhiên, biết rõ ràng là nếu con có học trước thì vào con sẽ vẫn học lại từ đầu, các cha mẹ vẫn đầu tư cho con đi học. TS Hương khẳng định, việc con biết chữ trước khi vào lớp 1 thực sự không có nhiều ý nghĩa đối với trẻ.
“Con trẻ có tận 5 năm để làm quen dần với việc học hành. 5 năm tiểu học đó, nếu đọc kĩ luật giáo dục, chúng ta sẽ thấy, mục tiêu giáo dục chủ yếu là cho các cháu làm quen. Như vậy, việc học trước khi vào lớp 1 không những là thừa mà còn có nhiều hệ lụy khác như làm cho các bé sợ học, ghét học, chán nản và phá phách”- TS Hương nêu quan điểm.
Trước băn khoăn khi có nhiều phụ huynh lo rằng nếu không dạy trước, con đi học khi các bạn đã biết hết, con sẽ tự ti và chán ghét học?. TS Hương cho rằng, thật ra, bọn nhỏ hoàn toàn không nhận thức được thế nào là điểm cao và điểm thấp, thế nào là giỏi và dốt vì lớp 1 các cháu mới bắt đầu học lớn hơn và nhỏ hơn. Vì thế, mọi việc tự ti hay tự tin là do cha mẹ cả.
Bà Hương cho rằng, việc đầu tiên phụ huynh cần làm là dạy con về những điều phải làm dù muốn hay không, những điều bị cấm không được phép làm. Nếu đã biết những điều này, trẻ sẽ dễ dàng tuân thủ kỉ luật và nỗ lực vượt qua khó khăn.
“Hơn nữa, điều con sẽ gặp phải là sự khó khăn khi đổi môi trường học tập, những khác biệt giữa tiểu học và mầm non. Cha mẹ cần thiết phải cho con làm quen với việc này, cho con qua trường tiểu học, giới thiệu cho con mọi thứ, cùng con đi sắm đồ dùng học tập, trò chuyện cùng con về cấp tiểu học. Ngoài ra, cha mẹ cũng rất cần chuẩn bị trước kiến thức và tâm lý để chiến đấu cùng con cấp tiểu học”- bà Hương nhấn mạnh.
Trong đó, theo bà Hương, việc quan trọng nhất mà cha mẹ phải lo lắng dạy con suốt 5 năm học hành đầu đời là dạy con biết học là nhiệm vụ của mình cũng như con biết học là quyền lợi to lớn của con. Ngoài ra, phụ huynh cần dạy con biết tự giác học bài hay đó là biết dạy con biết tự ứng xử, ứng phó trong các tình huống và đặc biệt là các tình huống nguy hiểm.
Theo Báo Tiền Phong - Đỗ Hợp